Chứng khoán là một loại tài sản gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh, trái phiếu, chứng quyền có bảo đảm...
Theo định nghĩa trong Luật Chứng khoán, chứng khoán là tài sản bao gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh, trái phiếu, chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký. Những loại tài sản này có điểm chung là một bằng chứng xác nhận sở hữu hợp pháp của người sở hữu (gọi chung là nhà đầu tư) với tài sản của doanh nghiệp hoặc tổ chức phát hành.
Cổ phiếu là gì?
Cổ phiếu được xem là chứng khoán vốn bởi nó xác nhận quyền và lợi ích như như dự họp đại hội đồng cổ đông, biểu quyết, đề cử Hội đồng quản trị, hưởng cổ tức... của người sở hữu với một phần vốn của doanh nghiệp. Đây là loại chứng khoán phổ biến và được giao dịch nhiều nhất trên thị trường.
Tương tự cổ phiếu, chứng chỉ quỹ cũng là chứng khoán vốn nhưng để khẳng định quyền sở hữu của nhà đầu tư với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán. Bản chất đầu tư vào chứng chỉ quỹ là ủy thác vốn cho chuyên gia của các tổ chức quản lý quỹ.
Trái phiếu là gì?
Trái phiếu là loại chứng khoán để xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp hoặc chính phủ với người nắm giữ (còn gọi là trái chủ). Vì trái phiếu là chứng khoán nợ nên khi doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể thì trái chủ được ưu tiên thanh toán trước người nắm giữ cổ phiếu (còn gọi là cổ đông).
Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh là loại chứng khoán tồn tại dưới dạng hợp đồng tài chính để xác nhận quyền và nghĩa vụ của các bên về giao dịch sẽ thực hiện vào thời điểm xác định trong tương lai. Giá trị của chứng khoán phái sinh phụ thuộc vào tài sản cơ sở như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hoá (kim loại, nông sản)... Đầu tư chứng khoán phái sinh có thể hiểu như đặt cược vào sự tăng hoặc giảm của tài sản cơ sở trong tương lai, tức khi giá trị tài sản cơ sở biến động đúng dự đoán thì nhà đầu tư có lãi.
Chứng quyền là gì?
Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán do công ty chứng khoán phát hành và được niêm yết với mã giao dịch riêng. Người giữ chứng quyền nhận được quyền mua hoặc quyền bán chứng khoán cơ sở (như cổ phiếu, ETF, chỉ số...) tại mức giá và thời điểm đã được xác định hoặc hưởng khoản chênh lệch giá tại ngày đáo hạn. Giá chứng quyền thường thấp hơn nhiều so với chứng khoán cơ sở nhưng có tính đòn bẩy cao và biết được khoản lỗ tối đa, do đó phù hợp với những nhà đầu tư ưa mạo hiểm.
Thị trường chứng khoán là gì?
Thị trường chứng khoán là nơi diễn ra hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, công bố thông tin, quản trị công ty đại chúng... Thị trường chứng khoán hoạt động theo nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu, quyền tự do giao dịch và công khai, minh bạch, nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về rủi ro.
Thị trường được hình thành khi có sự tham gia của bên bán là doanh nghiệp niêm yết, công ty quản lý quỹ; bên mua là nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài; bên cung cấp dịch vụ là công ty chứng khoán; nơi niêm yết và điều hành thị trường là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, TP HCM. Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư sẽ mua bán chứng khoán đã niêm yết thông qua nền tảng trực tuyến hoặc giao dịch tại quầy của công ty chứng khoán nơi họ đăng ký tài khoản. Thông tin mua bán (gọi là lệnh giao dịch) được chuyển vào hệ thống của Sở Giao dịch chứng khoán để xử lý, sau đó trả kết quả cho nhà đầu tư.
Đối với những doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán thì giao dịch phi tập trung, tức giao dịch trên nguyên tắc "thuận mua vừa bán" và không có địa điểm giao dịch thực tế. Các công ty chứng khoán trong trường hợp này thường đóng vai trò nhà tạo lập thị trường bằng cách báo giá cho hai bên, sau đó thực hiện mua và bán chứng khoán.