Viếng chùa Đìa Chuối (Hòa Bình – Bạc Liêu)

0 Shares

Tôi vừa về từ ngôi chùa ấy, ướt đẫm mưa đêm, trong lòng ấm áp vì đã thực hiện được một chuyến hành hương ý nghĩa.

Chùa Đìa Chuối gọi nôm na theo dân gian, hình tượng hóa vùng đất lúa nước buổi đầu loài thực vật “chuối nước”: mọc nhiều – theo lời vị Tỳ kheo phó trụ trì đã có tuổi. Thực ra tên chùa gọi theo Khmer ngữ đã Việt hóa là Se Rey Vong Sa Chêk Meas, hay nguyên ngữ Khmer សិរីវង្សសមា – មាស. Cũng theo lời vị Tỳ kheo phó trụ trì, tên ấy bao hàm ý: ngôi chùa có nhiều cây chuối nước.

Chùa Đìa Chuối hôm nay chuối nước không còn nhiều, chỉ còn hàng chuối tháp ở khu đất nhỏ cạnh nhà kho. Những thân cây có hình dáng mang nét họ chuối những bé hơn nhiều, lại có nét như rau mác, hoa vàng, “chuối cảnh”, sư Tỳ kheo nói thêm. Tên chùa, địa danh vùng đất gắn với thảm thực vật bản địa hay nhân vật có danh ở buổi đầu khai khẩn đất mới là sự thường ở miệt này.

Ngôi chùa Nam tông Khmer ba mặt giáp sông và chỉ có mỗi một mặt có tường rào! Phần lớn chu vi kết nối với đồng lúa xanh rì, chen giữa những ao nho nhỏ. Tôi chậm bước trong không gian Phật lần đầu được viếng: Chính điện xây trên cao kiểu nhà sàn, ngôi sa la bằng gỗ hơn 100 năm gắn bó với những đời trụ trì tiên khởi nay là văn phòng, nơi nghỉ ngơi của vị trụ trì; giảng đường, các ngôi tháp và dãy tượng Đức chí Tôn với các tư thế thuyết pháp, thiền định, nhập niết bàn…

Các vị sư sãi lao tác cần mẫn với cọ sơn hay bên những khối vật liệu xây dựng, hình ảnh cứ như minh họa đời sống tu tập của tăng đoàn thời kỳ ban sơ của Đạo. Chính vị Tỳ kheo Sư phó có tuổi vẫn quấn gọn cà sa, cùng phật tử quét cọ sơn ở bảo tháp. Các vị lao tác bên cạnh đồng lúa của chùa đơm xanh xâm xấp nước. Tôi được biết chùa còn được ba công lúa nước để canh tác. Ba mặt giáp đồng lúa và kênh rạch tạo cho không gian thiền hòa quyện với thiên nhiên. Nơi đây tách khỏi ồn ả xe máy, khói bụi, thi thoảng vang lên nhè nhẹ thanh âm động cơ thủy cỡ nhỏ của bà con lưu thông trên kênh…

Chùa Đìa Chuối được thành lập vào 1903 và đã trải qua 16 đời trụ trì. Danh sách các vị lãnh đạo ngôi chùa được trân trọng gắn ở giảng đường, có vị là Hòa thượng, nhưng cũng có vị là Đại đức, Tỳ kheo hay Sa di.

Thả bước quanh những ngôi làng lác đác mái ấm trong chiều tà, tôi cố hình dung buổi đầu nơi đây khung cảnh như thế nào, ở thời kỳ thực dân Pháp đã thiết lập ổn định cai trị Nam Kỳ. Một cụ bà cho biết ngày ấy nơi đây có cả thú rừng. Ở quán nhỏ bên kia kênh, qua một chiếc cầu, người đàn ông trung niên là phó ban quản trị chùa kể tôi nghe một thời trai trẻ ông tu học khi chiến tranh dai dẳng kéo dài, ở chính ngôi chùa bên kia dòng nước.

Chiều xuống nhanh, tôi quay lại chùa Đìa Chuối từ giã vị Tỳ kheo nhiệt thành giải thích cho mình bao nhiêu thắc mắc, cười với cô phật tử khi cô cứ nhất quyết gọi ngôi Sa la và các công trình trên sàn cao là “nhà cao cẳng” thay vì nhà sàn như tôi “nắn chỉnh”.

Rời Vĩnh Bình trên con xe đạp mới tinh, qua những cánh đồng non nớt lá lúa xanh, tôi đạp chậm dù tối xuống nhanh, miên man suy ngẫm về đời sống tu học của quý sư sãi ở đây, sinh hoạt của Nam tông Khmer vùng nông thôn Miền Tây Nam bộ trong buổi văn minh vật chất và thế gói phẳng ngày nay tác động nhanh, mạnh mẽ. Lao tác cần cù bên cạnh cánh đồng, ba mặt không tường rào, sự khổ hạnh và lặng lẽ cứ gợi nhớ về đức Thế Tôn hành đạo ở Ấn Độ cổ đại.

Tôi nhớ đến nụ cười hỷ lạc của vị Tỳ kheo già khi nhận lễ tạm biệt của phật tử lần đầu đến thăm viếng cụ, ấm lòng.

Mưa nhiều…

Nguyễn Thành Công