Tôi có vinh dự được Thầy thượng tọa tiếp không phải lần đầu. Thầy thường dẫn đầu đoàn Ban Trị sự tỉnh dự các sự kiện ở Văn phòng II Giáo hội ở quận 3 Tp.HCM và có lần tôi thọ chay cùng thầy ở nhà ăn Thiền viện Quảng Đức.
Chùa Liên Hoa là kiến trúc tương đối cổ, và lớn. Phần cổ thuộc công trình chùa cũ vốn do người cô ruột đã viên tịch của thầy thượng tọa trụ trì, có từ thời chiến tranh, một phần kiến trúc cũ nay vẫn được bảo quản và hương khói, nằm ở mặt tiền hướng ra Quốc lộ 1. Công trình hoành tráng được coi là lớn nhất trong các cơ sở Phật giáo tỉnh Bạc Liêu hay cả Cà Mau gồm các khối: tòa chính điện 2 tầng, nhà vãng sinh, tăng ni xá… xa xa, vượt qua con đường làng nhỏ xíu cắt ngang khuôn viên đất chùa, nơi được quy hoạch thành một nghĩa địa thuộc chùa quản lý, sau hồ nước rộng.
Nhiều lần đến chùa chiêm bái hành hương và có nghỉ lại ở phòng khách, tôi vẫn bị chút choáng khi xem đi xem lại hình ảnh quay bởi thiết bị bay trên không ở độ cao thấp, Liên Hoa tự khá đẹp. Diện tích rộng, vị thế tốt, lịch sử tồn tại dài. Duy hạn chế ở sinh thái bản địa nước mặn và do vậy thảm thực vật nghèo. Khi cây cầu Công Lý do công ty cùng tên tài trợ khánh thành cách đây mấy năm, kết nối quốc lộ bên kia với đất chùa bên này kênh đào 16, hành hương của phật tử thuận lợi hơn rất nhiều nếu so với gian nan qua phà khi trước.
Tôi vượt chặng đường khá dài nếu so với sức xe đạp còm, đến Liên Hoa vào hôm qua, 11/09/2017, sau khi đọc tệp văn bản gửi từ một ủy viên Ban Thông tin Truyền thông T.Ư của Giáo hội về những khó khăn và trăn trở khi hai tỉnh quê nhà chưa tổ chức được Đại hội Phật giáo cùng một loạt tỉnh thành trong toàn quốc. Văn bản giàu thông tin, chi tiết và biểu cảm nỗi lo của người trong cuộc.
Thầy Thượng tọa trụ trì Liên Hoa bên này con kênh thuộc tỉnh Bạc Liêu nhưng gánh trọng trách Trưởng Ban Trị sự tỉnh dưới kia, Cà Mau. Thầy vừa về từ Thiền Lâm tự của ni thuộc trách vụ quản trị, mệt và tiếp khách vội vàng. Khi tôi hỏi về Đại hội, thầy chỉ gật đầu xác nhận và đi nghỉ, ý định phỏng vấn sâu để viết về Liên Hoa không thành.
Nhưng, tôi gặp may, Liên Hoa tự đang bước vào ngày thứ 2 của khóa tu Phật thất. Thời pháp của TT.Thích Huệ Thành ở tầng 2 chính điện có tính tổng hợp, về vãng sinh và pháp môn niệm Phật. Khoảng gần 100 phật tử, chủ yếu là nữ, trang nghiêm lắng nghe. Trận mưa lớn vừa tạnh, vị Thượng tọa thuyết giảng không cần micro, không có hỗ trợ khuyếc đại, tự nhiên song vẫn sang sảng.
Ngoài hành lang tôi tiếp chuyện một vị ni và được biết đây là kỳ Phật thất thứ 84, “số lượng tham dự viên vơi dần”- vị ni thiệt tình chia sẻ. Chùa thỉnh sư cho các khóa tu 7 ngày và một danh sách những giảng sư nổi tiếng được xướng lên bởi vị ni Thích Trí Huệ, Thích Phước Tiến… Trong một tuần tu học, các phật tử chuyên tâm vào thời khóa gồm hành thiền, nghe pháp, niệm Phật… hậu cầu được cúng dường và nhân lực đủ đảm bảo. Hai tháng một kỳ, 6 khóa tu cho một năm, duy trì. Thành tích này đáng ngưỡng mộ, và có thể tin nhờ vào vị thế một ngôi chùa lớn như Liên Hoa tự. Điều kiện để duy trì các khóa tu như thế ở tỉnh xa xôi như thế không có nhiều chùa làm được.
Có lẽ công tác chuẩn bị Đại hội Phật giáo Cà Mau đang xúc tiến khẩn trương, và cả Bạc Liêu nữa. Nhưng ở Liên Hoa tự hôm qua tôi chứng kiến sự tu học khẩn trương và khả năng thuyết pháp của vị Thượng tọa khả kính Thích Huệ Thành trong tiết trời lất phất.
Một duyên may…
Nguyễn Thành Công