Phát triển não bộ của trẻ nhờ vào việc ba mẹ cùng tham gia trò chơi ú oà với con

STV
0 Shares

Ba mẹ luôn tìm kiếm một trò chơi phù hợp cho trẻ nhỏ để có thể chơi bất cứ khi nào, bất kỳ lúc nào và có thể phát triển được nhiều kỹ năng cho trẻ. Ú òa là một trò chơi kinh điển và khá hay mà nhiều ba mẹ chơi với bé. Mặc dù là một trò chơi đơn giản nhưng ba mẹ cần phải tìm hiểu thêm để bắt đầu chơi cùng trẻ. Ba mẹ hãy để Sao tử vi thông tin những điều lưu ý khi chơi ú òa cùng trẻ nhỏ nhé!

Trò ú òa là gì?

Ú òa là một trò chơi có nhiều lợi ích cho trẻ. Ảnh: freepik

Ú òa là một trò chơi trốn tìm cổ điển (miền Nam còn có tên gọi khác là “cuốc hà”), có cách chơi khá đơn giản: ba mẹ dùng tay che mặt lại sau đó mở ra cho trẻ thấy khuôn mặt và nói: “ú òa”. Một biến thể khác là nói “ú” khi ba mẹ che mặt và nói “òa” khi mở tay ra.

Dù chơi theo cách nào đi chăng nữa, trò chơi này sẽ kích thích các giác quan của trẻ. Trò chơi giúp trẻ xây dựng các kỹ năng vận động thô, củng cố khả năng theo dõi của thị giác, khuyến khích sự phát triển não bộ và trên hết là khơi dậy óc hài hước của trẻ.

Khi nào cho trẻ chơi trò ú òa?

Trẻ ở khoảng 3 đến 4 tháng tuổi đã có thể chơi trò ú òa. Ảnh: freepik

Trẻ bắt đầu biết cười lớn (khoảng 3 đến 4 tháng tuổi), lúc này trẻ đã có khả năng nhận diện vật thể thì việc chơi trò ú òa giữa ba mẹ và trẻ trở nên thú vị hơn. Từ tháng thứ 9 đến tháng 12 trẻ bắt đầu phát triển nhận thức, trẻ có thể sẽ tự mình chơi trò ú òa.

Thời điểm thích hợp chơi ú òa

Ba mẹ hãy chơi ú òa khi trẻ thoải mái. Ảnh: freepik

Bất cứ khi nào trẻ thoải mái nhất cũng là thời điểm thích hợp chơi trò ú òa.

Trẻ càng được chơi nhiều trò chơi kết hợp phát triển thị giác, kỹ năng vận động thô và tương tác với mọi người thì càng tốt cho não bộ đang phát triển của trẻ.

Tuy nhiên, ba mẹ nên lưu ý rằng trẻ sơ sinh rất dễ bị giật mình, vì vậy hãy để ý các dấu hiệu của trẻ. Nếu trẻ quay đầu sang một bên hoặc giật mình trước tiếng nói của ba mẹ, hãy dừng chơi và thử lại sau.

Khi trẻ được 9 tháng tuổi và bắt đầu quen dần với trò chơi này, hãy thử dùng thêm đồ chơi. Ba mẹ hãy giấu món đồ chơi yêu thích của trẻ dưới gối hoặc chăn khuyến khích trẻ tìm kiếm, sau đó tìm cách để trẻ dễ dàng phát hiện ra. Khi trẻ phát hiện ra hãy nói “ú òa”, như vậy ba mẹ và trẻ sẽ có rất nhiều tiếng cười.

Ú òa cũng là một cách xoa dịu cơn quấy khóc của trẻ. Nếu trẻ đang khóc, ba mẹ hãy thử chơi trò này cùng trẻ.

Trẻ bước sang tuổi thứ hai hoặc mới biết đi cũng rất thích trò chơi này theo cách ba mẹ trốn để trẻ đi tìm.

Trẻ phát triển nhận thức

Trẻ chơi trò chơi thường xuyên giúp phát triển nhiều kỹ năng. Ảnh: freepik

Mặt trái của việc phát triển nhận thức ở trẻ chính là lo lắng về sự chia ly với những người chăm sóc mà trẻ yêu mến. Vào giai đoạn 7 đến 8 tháng tuổi, trẻ thường khóc khi có một người lạ (hoặc người thân ít gặp) bế mình.

Cột mốc tiếp theo của sự phát triển nhận thức ở trẻ chính là có thể chơi nhiều trò chơi hơn. Khi trẻ phát triển được sự phối hợp giữa tay và mắt, ba mẹ có thể dạy con chơi trò chơi “con thỏ”(là một trò chơi thể hiện sinh hoạt hằng ngày của một con thỏ như ăn cỏ, uống nước, chui vô hang, nằm ngủ). Lúc đầu, ba mẹ sẽ thực hiện các cử chỉ tay và dạy trẻ thực hiện theo, dần dần trẻ quen và có thể tự thực hành.

Khi trẻ chơi những trò chơi này càng thường xuyên thì sẽ càng có nhiều kỹ năng hơn, như cho và nhận, ghép lời nói với hành động, học từ mới và luyện các cử động ngón tay và bàn tay (còn gọi là kỹ năng vận động tinh).

Lời kết

Ú òa là một trò chơi giúp trẻ phát triển trí não và kỹ năng vận động. Trẻ nhỏ thường phát triển rất nhanh và việc ba mẹ chơi nhiều cùng con rất cần thiết cho sự phát triển đầu đời của trẻ. Hãy bắt đầu cùng con thực hiện những trò chơi đơn giản nhất, ba mẹ nhé!

Ngọc Hà tổng hợp từ Whattoexpect