Ngôi chùa trong khu tháp cổ Vĩnh Hưng

0 Shares

Hôm qua tôi dành trọn một ngày viếng chùa Tháp với hành trình xe đạp đi về gần ngót trăm cây số, khoảng đường đáng kể cho dù là đồng bằng.

Niềm mong mỏi đã thắng mệt nhọc, tôi đã đến chùa trong ráng chiều, sau khi vượt qua không biết bao nhiêu cánh đồng xanh rì, những chợ nhỏ và cơ man cây cầu con con…

Chùa Phước Bửu có lịch sử dài lâu và được diễn dịch qua trí nhớ vị sư cô trụ trì tục danh Ba Tỉnh, pháp danh Diệu Phước.

Vùng đất ấy hoang địa dài lâu, khi thực dân Pháp thiết lập cai trị Nam Kỳ, vùng đất – theo trí nhớ các bậc cao niên hãy còn hoang hóa và cho dù các địa chủ đã phủ kín tư hữu đất đai về pháp nhân, song các cặp rằn và tuần khạo thi thoảng đánh trâu “viếng” đồng vắng chớp nhoáng như cách xác lập sở hữu, chưa có sự canh tác thường xuyên.

Lời kể sư cô Diệu Phước vẽ ra khung cảnh vắng vẻ, rừng và thú cho dù đã ở thế kỷ XIX, tốc độ đô thị hóa ở một số vùng và khai thác thuộc địa đã diễn ra nhanh.

Câu chuyện dung dị mộc mạc: có lần người ta tuần đồng nhác thấy trong tháp bóng người ẩn hiện rất nhanh, giữa cây lá. Hai vị giúp việc cho địa chủ cãi nhau: người đòi bắn, kẻ không chịu. và khi nhân vật có lòng nhân trực tiếp vào gặp được bóng người bí ẩn kia thì mới nhận ra đấy là bậc tu hành! Thầy tịnh tọa trong tháp, chỉ uống nước và không độ ngọc – tức không ăn cơm. Người ta rước Thầy về chợ Vĩnh Hưng và vị có chức phận, gia sản đã đặt điều kiện: nếu bậc tu hành chứng minh được không độ ngọc, tức không ăn cơm, chỉ uống nước thì ông ta sẽ xuất tiền xây chùa đàng hoàng cho việc tu hành, bằng không…

Và nhiều ngày trôi qua tại chợ Vĩnh Hưng, Thầy chỉ uống nước trong giám sát chặt chẽ, không đụng hạt cơm nào, vẫn tĩnh tại! Thế là người ta đưa thầy trở vào tháp, thực hiện cam kết xây chùa.

Theo lời kể, tình hình lúc ấy, xây ngôi chùa sự tốn kém rất lớn, nhưng rồi tam bảo thành hình trong vùng hoang vắng, thu hút sự tín ngưỡng cao độ với bá tính có khi ở rất xa. Nhiều vị chức sắc, tư sản tận Bạc Liêu đến cũng viếng và chiêm bái tượng Phật. Theo ngôn ngữ thông thường của Phật giáo, đấy là khởi điểm lịch sử chùa Phước Bửu và vị Thầy huyền bí ấy là bậc khai sơn tạo tự.

Chiến tranh với cường độ ngày càng cao, sinh tử rất khốc liệt và không ít lần chùa Tháp bị trắng. Và ngày nay, một cơ sở chính thức của Giáo hội Phật giáo vẫn rất chi đơn sơ, nép cạnh dòng kênh nhỏ đầy lục bình và chỉ có mỗi một vị ni già trông coi quán xuyến cùng những phật tử công quả. Ngày xưa có khác, nay chùa Phước Bửu tồn tại trong không gian hỗn hợp 5 héc ta của khu di tích quốc gia Tháp cổ Vĩnh Hưng.

Sau khi lễ Phật, tham quan tháp, thọ chay cùng sư cô, tôi lắng nghe tâm nguyện của vị ni già về mong cầu chính đáng tách bạch giữa di tích mang tính nhà nước và Chùa để tu tập lễ bái, phật sự có không gian. Nay thì tường thành cũng của di tích lịch sử, chùa Phước Bửu ngay cái bảng cũng không có! Thấm thía, băn khoăn.

Chánh điện Phước Bửu tự giản đơn, nhà hậu tổ liền kề; bên hông là ngôi nhà bình thường như trong xóm, sinh hoạt, nấu nướng ở đấy.

Trước chính điện thường xuyên đóng kín, có thánh tượng Quan Âm hướng ra tháp với khoảng cách gần, và những bóng cây cao cao có thanh long bám níu trãi rộng…

Ở Phước Bửu, sau hành trình khá xa, tôi không thấy các chú tiểu, không nghe thanh âm đại hồng chung, bữa chay bình thường như về thăm bà con ở thôn nội vậy.

Và khi bóng đêm ập về, giả từ Chùa Tháp, tôi về, lướt qua những cánh đồng, với con dế quèn ăm ắp hình ảnh của chuyến đi…

Ngôi Chùa ấy cách thành phố Bạc Liêu chừng 20 cây số theo hướng Tây Bắc, nhưng với tôi, chuyến hành hương đi – về chừng 100 cây số!

Thêm một kỷ niệm…

Nguyễn Thành Công