Trang chủ Phật giáo Phật học Mối quan tâm sâu sắc nhất của ta
Phật học

Mối quan tâm sâu sắc nhất của ta

Chia sẻ
Mối quan tâm sâu sắc nhất của ta
Chia sẻ

Trái tim ta đang kêu gọi ta nhưng ta không có khả năng nghe được bởi vì tâm ta đầy tiếng ồn. Đêm ngày ta luôn bị lôi kéo. Tâm ta suy nghĩ liên tục, đặc biệt là những suy nghĩ tiêu cực.

Trong đời sống hằng ngày, nhiều người trong chúng ta đã dành hầu hết thời gian của mình để đi tìm những tiện nghi sinh sống, như tiện nghi vật chất và tiện nghi tình cảm, những thứ mà ta gọi là những quan tâm hằng ngày của ta. Chúng ta bận rộn với những thứ ấy: làm thế nào để có đủ tiền, đủ thức ăn, nhà ở và những vật chất khác. Bên cạnh những quan tâm vật chất, ta cũng có những quan tâm tình cảm: có người nào đó đặc biệt thương ta không, công việc của ta có an toàn không. Có thể ta đi tìm một mối quan hệ dễ chịu, thoải mái, không quá khó khăn, để tồn tại. Chúng ta đi tìm một cái gì đó để dựa dẫm và nương tựa. Ta lo lắng suốt ngày vì những vấn đề này. Điều đó lấy hết thời gian của ta.

Có thể chúng ta để hết 99,9% thời gian của mình để lo lắng cho những quan tâm hằng ngày này: những tiện nghi vật chất, những tiện nghi tình cảm. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi vì chúng ta cần có những nhu cầu căn bản đáp ứng cho những cảm giác an toàn của chúng ta. Nhưng nhiều người trong chúng ta đã lo lắng quá xa, vượt ngoài những nhu yếu của mình. Cơ thể ta khỏe mạnh, ta có đủ cơm ăn, có nhà để ở, ấy vậy mà ta vẫn không hết lo lắng.

Chánh niệm là liều thuốc tốt nhất

Trong khi đó, mối quan tâm sâu sắc nhất của ta thì có thể ta không nhận ra, ta không thể nghe được. Mỗi người trong chúng ta có những quan tâm tối hậu không dính líu đến những quan tâm vật chất và tình cảm. Ta làm gì với đời ta? Ta có mặt đây, nhưng tại sao ta lại có mặt đây? Ta là ai? Đây là những vấn đề tiêu biểu nhưng ta không có thời gian để trả lời.

Đây không phải là vấn đề triết học. Nếu không có khả năng trả lời được những câu hỏi này thì ta sẽ không có bình an, không có niềm vui sống, bởi vì nếu không có bình an thì cũng không có niềm vui. Nhiều người trong chúng ta có cảm tưởng là mình không bao giờ có thể trả lời được những câu hỏi này. Nhưng với chánh niệm, nếu ta có một ít im lặng bên trong, ta có thể nghe được câu trả lời. Ta có thể tìm ra được câu trả lời cho những vấn đề này và nghe được tiếng gọi sâu sắc nhất của trái tim ta.

Khi đặt câu hỏi: “Ta là ai?”, nếu có đủ thời gian và định lực, ta sẽ có câu trả lời đáng kinh ngạc. Ta có thể thấy được ta là sự tiếp nối của tổ tiên. Cha mẹ và tổ tiên ta có mặt trọn vẹn trong mỗi tế bào cơ thể ta, ta là sự tiếp nối của cha mẹ, tổ tiên. Ta không có một cái ngã riêng biệt. Nếu lấy cha mẹ và tổ tiên ra khỏi ta thì ta cũng không tồn tại.

Ta có thể thấy được ta được làm bằng nhiều yếu tố, như nước chẳng hạn. Nếu lấy yếu tố nước ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại được. Ta được làm bằng yếu tố đất. Nếu lấy yếu tố đất ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại. Ta được làm bằng yếu tố không khí (gió). Ta cần không khí vô cùng, không có không khí ta cũng không thể sống được.

Vì vậy, nếu lấy yếu tố gió ra khỏi ta thì ta cũng không thể tồn tại. Và trong ta cũng có yếu tố lửa, yếu tố làm nên sức nóng và ánh sáng. Ta biết rằng ta cũng được làm bằng ánh sáng. Không có ánh sáng mặt trời thì không có gì có thể tồn tại trên trái đất này. Nếu tiếp tục quán chiếu, ta sẽ thấy rằng ta được làm bằng mặt trời, một trong những vì sao lớn nhất trong dãy ngân hà. Chúng ta cũng biết rằng, trái đất, cũng như chính chúng ta, được làm bằng các vì sao. Vì vậy, chúng ta là những vì sao. Ta không chỉ là hình hài nhỏ bé như ta thường nghĩ về bản thân mình. Vào những đêm trời trong, nhìn lên trời, ta có thể thấy được ta là những vì sao trên trời.

Không cần phải chạy

Chánh niệm cho ta một không gian và một sự yên tĩnh bên trong, cho phép ta nhìn sâu để tìm ra được ta là ai, ta muốn làm gì với đời ta. Ta không còn thấy cần thiết phải chạy theo những mưu cầu vô nghĩa nữa. Ta đã chạy quá nhiều để tìm kiếm một cái gì đó vì ta nghĩ rằng cái đó quan trọng cho hạnh phúc và bình an của ta. Ta tự ép mình đạt cho được cái này cái nọ để ta có hạnh phúc. Ta tin rằng bây giờ ta không đủ điều kiện để hạnh phúc, vì vậy, ta tạo ra một tập khí mà nhiều người vấp phải, đó là luôn chạy theo hết cái này đến cái khác. “Tôi không thể bình an bây giờ được, tôi không thể dừng lại để sống hạnh phúc được, bởi vì tôi cần thêm vài điều kiện nữa để có thể hạnh phúc.” Thực tế, ta đã dập tắt niềm vui sống, quyền thừa kế của ta. Tuy nhiên sự sống tràn đầy những mầu nhiệm, kể cả những âm thanh vi diệu. Nếu ta có khả năng có mặt, nếu ta có tự do, thì ta có thể hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Ta không cần phải chạy nữa.

Thực tập chánh niệm rất đơn giản. Dừng lại, thở và làm cho tâm mình yên lại. Trở về ngôi nhà đích thực của ta để thưởng thức sự sống ngay bây giờ và ở đây trong từng giây từng phút.

Tất cả những mầu nhiệm của sự sống đã có mặt ở đây rồi. Chúng đang gọi ta. Nếu có khả năng lắng nghe chúng, ta sẽ có khả năng dừng lại. Cái ta cần là sự im lặng. Dừng lại những tiếng ồn trong tâm để ta có thể nghe được những âm thanh vi diệu của sự sống. Và ta có thể bắt đầu sống đời sống của ta một cách chân thành và sâu sắc.

Trích trong cuốn sách “Tĩnh Lặng”.

Bài viết cùng chuyên mục
Niệm Định Tuệ (Theo Tỷ Khưu Nguyên Tuệ)
Phật học

Niệm Định Tuệ (Theo Tỷ Khưu Nguyên Tuệ)

Niệm – Định – Tuệ là ba yếu tố căn bản, chính...

Minh và Vô Minh: Căn Nguyên Đau Khổ và Con Đường Giải Thoát
Phật học

Minh và Vô Minh: Căn Nguyên Đau Khổ và Con Đường Giải Thoát

Văn bản “Minh và Vô Minh” trình bày một cách tiếp cận...

Đến Để Mà Thấy: Giáo Lý Phật Giáo Cốt Lõi
Phật học

Đến Để Mà Thấy: Giáo Lý Phật Giáo Cốt Lõi

Đến để mà thấy là một trong những đặc tính quan trọng...

Luân hồi tái sinh: Giải Mã Luân Hồi Tái Sinh và Giải Thoát
Phật học

Luân hồi tái sinh: Giải Mã Luân Hồi Tái Sinh và Giải Thoát

Luân hồi tái sinh là một vấn đề được đề cập trong...

Bát Chánh Đạo: Lộ trình tâm bát tà đạo và bát chánh đạo
Phật học

Bát Chánh Đạo: Lộ trình tâm bát tà đạo và bát chánh đạo

Bát Chánh Đạo (tiếng Pali: Aṭṭhaṅgika Magga, nghĩa là con đường tám...

Để không uổng phí một kiếp người
Phật học

Để không uổng phí một kiếp người

Chúng ta đi qua một kiếp người quá vất vả, đi qua...

Tiêu thụ trong chánh niệm
Phật học

Tiêu thụ trong chánh niệm

Làm thế nào để biết truyền thông nào là lành mạnh, truyền...

Nghiệp quả của gieo niềm thất vọng cho người khác
Phật học

Nghiệp quả của gieo niềm thất vọng cho người khác

Khi chọn mua cho mình một thứ gì đó, chúng ta thường...