Mách ba mẹ 13 bí quyết hiệu quả để dạy trẻ 1 tuổi

0 Shares

Trẻ 1 tuổi còn quá nhỏ để có thể tự điều chỉnh hành vi và cảm xúc một cách phù hợp, chúng thường nghịch ngợm, chưa nghe lời. Vì vậy, ba mẹ nên biết cách kỷ luật trẻ bằng các biện pháp tích cực để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của trẻ và phân biệt những hành vi có thể chấp nhận. Dưới đây là 13 bí quyết hiệu quả giúp ba mẹ dạy trẻ 1 tuổi từ Sao tử vi, hãy cùng tham khảo nhé!

Khi nào bắt đầu kỷ luật trẻ?

Hầu hết trẻ sơ sinh bắt đầu hiểu ý nghĩa của từ “Không” trong giai đoạn 6 – 11 tháng tuổi. Tuy nhiên, sự phát triển nhận thức của trẻ ở tuổi này chưa đủ để phân biệt đúng sai, tốt xấu. Vì vậy, trẻ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hướng dẫn của ba mẹ để biết về hành vi nào có thể chấp nhận được, những hậu quả của một hành động nào đó và phải tự chịu trách nhiệm về việc trẻ làm.

Ba mẹ có thể bắt đầu kỷ luật trẻ trước sáu tháng tuổi. Nhưng hãy nhớ rằng kỷ luật ở độ tuổi này là giữ an toàn cho trẻ hơn là cải thiện hành vi.

Những lời khuyên cho ba mẹ kỷ luật trẻ 1 tuổi

Ba mẹ phải hiểu và áp dụng các biện pháp kỷ luật phù hợp cho trẻ. Ảnh: unsplash

Kỷ luật trẻ đòi hỏi ba mẹ phải hiểu sự phát triển của chúng và áp dụng các biện pháp kỷ luật phù hợp để hình thành hành vi. Dưới đây là một số mẹo có thể giúp ích cho ba mẹ trong việc dạy trẻ.

Tạo môi trường an toàn

Ba mẹ nên tạo một môi trường an toàn cho trẻ thỏa sức khám phá. Ảnh: freepik

Trẻ nhỏ thường chạm, ngửi, nếm, lăn và đẩy mọi thứ để tìm hiểu về môi trường xung quanh. Nhưng thông thường, tính tò mò khiến trẻ đi quá giới hạn và làm những việc có thể gây hại. Do đó, ba mẹ hãy để trẻ tránh xa mọi thứ trong nhà có thể gây nguy hiểm. Những cách để tạo môi trường an toàn cho trẻ bao gồm:

  • Làm cổng an toàn cho lan can, cầu thang và các phòng trẻ không nên vào.
  • Khóa chắc chắn tủ và các ngăn kéo.
  • Che ổ cắm điện bằng nắp an toàn.
  • Đặt tất cả các vật dụng dễ vỡ, nguy hiểm như dây điện, thuốc và các vật có thể gây nghẹt thở xa tầm với của trẻ.
  • Bên cạnh đó, ba mẹ hãy đảm bảo rằng trẻ luôn được trông chừng. Khi trẻ lớn hơn, ba mẹ có thể dạy trẻ không chạm vào một số đồ vật.

Đặt ranh giới rõ ràng

Trẻ giai đoạn 1 tuổi thường chưa ý thức đúng, sai. Thay vào đó, trẻ thường tìm hiểu thế giới xung quanh và vượt qua các giới hạn mà ba mẹ không cho phép. Vì vậy, trừng phạt trẻ vì hành vi không như mong muốn của ba mẹ là không đúng.

Thay vào đó, ba mẹ nên đặt ra các giới hạn rõ ràng và thực hành thường xuyên. Nếu trẻ không làm theo những gì ba mẹ yêu cầu, hãy đưa ra những lời nhắc nhở nhẹ nhàng. Ngoài ra, ba mẹ đừng phá vỡ quy tắc hoặc thỏa hiệp chỉ để xoa dịu trẻ hoặc ngăn cơn giận dữ của trẻ.

Xây dựng và tuân thủ một thói quen

Có một thói quen định sẵn sẽ làm cho trẻ cảm thấy an toàn. Bên cạnh đó, thói quen giúp trẻ hiểu những gì phải làm, điều gì sắp xảy ra và những gì ba mẹ mong đợi.

Ba mẹ hãy giúp trẻ tuân thủ các thói quen đã lên kế hoạch và đưa từng hoạt động mới vào thói quen mà không làm ảnh hưởng hoặc gây choáng ngợp cho trẻ.

Hãy là tấm gương cho trẻ

Trẻ học mọi thứ bằng cách bắt chước người lớn. Vì vậy, ba mẹ hãy làm mẫu cho những hành vi muốn trẻ noi theo.

Ví dụ: nếu ba mẹ không muốn trẻ la hét hãy tránh quát mắng khi trẻ có hành vi sai trái. Tương tự như vậy, nếu ba mẹ muốn trẻ tôn trọng mình, hãy tôn trọng những người xung quanh.

Chuyển hướng hoặc phân tâm

Chuyển sự chú ý sang một hoạt động khác giúp trẻ không vượt qua những điều giới hạn. Ảnh: freepik

Nếu trẻ đang di chuyển về phía một đồ vật không an toàn như bàn ủi nóng hoặc bếp ga, ba mẹ nên nghiêm khắc nói với trẻ không được đến gần và mang đồ vật đó khỏi tầm mắt trẻ.

Ba mẹ cũng có thể nhanh chóng đánh lạc hướng và chuyển sự chú ý của trẻ sang một hoạt động an toàn, thú vị khác hoặc đưa cho trẻ một món đồ chơi. Điều đó sẽ giúp trẻ chấm dứt hành vi không mong muốn một cách nhẹ nhàng, trẻ sẽ biết được một số điều vượt quá giới hạn và không nên làm.

Đưa ra các lựa chọn

Trẻ nhỏ có ý thức tự chủ cao và thích làm mọi việc theo cách của chúng. Ba mẹ có thể thỏa mãn nhu cầu của trẻ bằng cách đưa ra lựa chọn bất cứ khi nào có thể. Điều này sẽ  giúp trẻ tăng cường sự tự tin và điều chỉnh cảm xúc. 

Tuy nhiên, ba mẹ chỉ nên cho trẻ không quá hai đến ba sự lựa chọn, vì quá nhiều lựa chọn có thể khiến trẻ bị bối rối.

Tránh nói “không” thường xuyên

Nếu trẻ chuẩn bị chạm vào nồi nóng trên bếp hoặc mở cửa lò nướng, ba mẹ cần nghiêm khắc nói “không” để ngăn chúng lại. Tuy nhiên, việc ba mẹ thường xuyên nói “không” với những điều đơn giản có thể khiến trẻ không nghiêm túc làm theo những yêu cầu của người lớn.

Tệ nhất là trẻ có thể tự bắt đầu sử dụng từ “không” khi không muốn làm điều gì đó. Vì vậy, ba mẹ chỉ nói “không” khi liên quan đến vấn đề an toàn của trẻ hoặc khi trẻ phạm lỗi.

Bài viết liên quan: Mẹo hay cho mẹ chấm dứt biểu hiện gây hấn, hung hăng ở trẻ

Giải thích hành vi mong muốn

Giải thích cho trẻ nghe những hành vi ba mẹ mong muốn sẽ giúp trẻ biết đâu là hành vi tốt và hành vi chưa tốt.

Ví dụ: nếu trẻ không chia sẻ đồ chơi với những người bạn khác, ba mẹ hãy yêu cầu trẻ nên cho bạn cùng chơi. Khi trẻ làm tốt, ba mẹ hãy khen ngợi nỗ lực và khuyến khích trẻ lặp lại hành vi mà ba mẹ mong muốn.

Có những kỳ vọng thực tế

Khi đặt ra các quy tắc và hướng dẫn trẻ, ba mẹ cần hiểu và thừa nhận các giới hạn hiểu biết của trẻ ở giai đoạn này. Trẻ chỉ có thể hiểu được khi phát triển nhận thức nhiều hơn, vì vậy ba mẹ đừng đặt kỳ vọng quá cao khi trẻ không làm được những việc như ba mẹ mong đợi.

Ba mẹ đặt ra những kỳ vọng phù hợp với độ tuổi của trẻ sẽ giúp cho quá trình kỷ luật trở nên suôn sẻ.

Khen ngợi hành vi tốt

Ba mẹ nên khen ngợi trẻ bất cứ khi nào trẻ làm đúng theo hướng dẫn và những hành vi mà ba mẹ mong muốn. Ba mẹ chỉ nên khen ngợi hành vi tốt và bỏ qua, không nhắc đến những hành vi tiêu cực.

Nên thường xuyên sử dụng các cụm từ như “Con giỏi quá”, “Con làm tốt lắm”… để khen ngợi những nỗ lực của trẻ và khiến trẻ cảm thấy được đánh giá cao.

Đừng nhượng bộ những cơn giận dữ

Ba mẹ không nên nhượng bộ những cơn giận của trẻ. Ảnh: unsplash

Trẻ không biết cách thể hiện cảm xúc và mong muốn của mình một cách thích hợp, do đó trẻ thường bùng phát tức giận, thất vọng và nổi cơn thịnh nộ khi không đạt được điều mong muốn.

Nếu trẻ đang giận dữ, ba mẹ hãy bình tĩnh, trấn an rằng ba mẹ hiểu cảm giác của con và tạo không khí thoải mái. Tuy nhiên, ba mẹ đừng nhượng bộ những cơn giận dữ của trẻ, để trẻ biết rằng nóng giận sẽ không giúp chúng đạt được những gì mình muốn.

“Time-out” là cách cuối cùng

“Time-out” là một phương pháp phạt không bạo lực, ba mẹ cho trẻ một khoảng thời gian không làm gì cả. Mục đích là cho trẻ suy nghĩ về hành vi của mình và rút kinh nghiệm, đây là một kỹ thuật sửa đổi hành vi. Nhưng vì trẻ nhỏ giai đoạn 1 tuổi dễ sợ hãi và lo lắng khi bị bỏ rơi, vì vậy ba mẹ nên ít dùng cách phạt này.

Tuy nhiên, ba mẹ có thể sử dụng “time-out” nếu trẻ làm điều gì đó nguy hiểm hoặc có hại như đánh hoặc cắn anh chị em. Ba mẹ nên đảm bảo trẻ ở trong tầm nhìn của mình. Ngừng phạt trẻ khi hết thời gian hoặc khi trẻ đã bình tĩnh, điều này có thể giúp trẻ học cách điều tiết cảm xúc.

Giữ bình tĩnh

Kỷ luật trẻ có thể là một thách thức với ba mẹ, việc la mắng hoặc đánh đòn không hề hiệu quả vì những cách này sẽ gây hại nhiều hơn lợi. Vì vậy, ba mẹ hãy cố gắng bình tĩnh, tìm hiểu tại sao trẻ cư xử điều đóvà hướng dẫn lại hành vi đúng.

Nếu ba hoặc mẹ cảm thấy quá kích động, hãy để trẻ ở với người khác và nghỉ ngơi một chút để hạ nhiệt.

Trẻ nhỏ giai đoạn 1 tuổi không thể tự điều chỉnh cảm xúc và hành vi, luôn muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Những điều đó hoàn toàn bình thường về mặt phát triển và không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Tuy nhiên, ba mẹ nên biết cách kỷ luật trẻ hiệu quả, an toàn và dạy trẻ cách cư xử đúng mực.

Ngọc Hà tổng hợp từ momjunction