1. Phúng Kinh (諷經)
Trong 3 chữ này, tức 諷、誦、讀 (phúng, tụng, độc) là hình thanh, thanh bàng đều là bộ ngôn (言, lời nói), trong đó chữ PHÚNG 諷 được Khang Hi tự điển phiên thiết là: phân phụng thiết (芬鳳切), phương phụng thiết (方鳳切), tịnh Phúng, khứ thanh (並風去聲).
Phúng, nghĩa là tụng (đọc hoặc ngâm)
Sắc thái của PHÚNG nghiêng về đọc thuộc lòng, như vậy đã là PHÚNG thì không cần cầm sách/kinh (nhà Thiền gọi những Tăng nhân không thuộc kinh mà cầm đọc là “cầm bổn” (bổn/bản nghĩa là cầm sách). Vì nó nghiêng về đọc thuộc lòng, vì vậy nếu gặp đoạn “phúng kinh công đức thù thắng hạnh” là không mấy ai ghì con mắt vào đọc đoạn văn hồi hướng này.
2. Tụng Kinh (誦經)
Có sự khác biệt nhỏ giữa tụng và phúng, đó là tụng nghĩa là ngâm, cụ thể hơn là nó nghiêng về tiết tấu hoặc điều chỉnh làn hơi trong giọng đọc.
Trong sách Mạnh Tử, thiên Vạn chương (hạ) nói: […] 誦其詩,讀其書,不知其人可乎?Tụng kỳ thi, Độc kỳ thư, bất tri kỳ nhân, khả hồ? (Ngâm thơ của họ, Đọc sách của họ mà không biết họ là ai, thì liệu có được không)
Vì nó nghiêng về ngâm, một dạng phà tiết tấu lên xuống, thăng giáng trong giọng đọc, vì vậy ai “tụng” kinh mà giọng đọc nó phẳng lì như đường cao tốc là giọng đọc của robot, là cố tình làm xơ hoá không gian nghi lễ.
3. Độc Kinh (讀經)
Độc (讀) là âm Hán Việt – Việt hoá là đọc, thí dụ: Độc giả (người đọc)
“Độc bãi tinh thần giác đốn khai” [讀罷精神覺頓開] (Đọc đoạn, tinh thần chợt mở mang)
Độc/đọc trong trường hợp này như Khán 看 (xem)
Nhưng “đọc” không chỉ là…đọc một văn bản đơn thuần, mà đôi lúc nó đòi hỏi nắm bắt và nghiền ngẫm nghĩa lý, trong khi phúng, tụng không đặt nặng về điều này.
Trong một không gian nghi lễ, phúng, tụng thì cần có pháp khí hỗ trợ (như chuông mõ) để giữ nhịp (hay trường canh), trong khi độc kinh (đọc kinh) thì có phần thoải mái hơn. Người ta có thể xem kinh/đọc kinh như một hưởng thụ lạc thú thanh cao mà không cần đến không gian nghi lễ.
Điều cốt yếu của đọc kinh, xem kinh, niệm kinh, trì kinh là gì?
Nguồn: Long Vân Tự.