Đối với câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, đây là câu nói thể hiện sự kiêu mạn của thái tử Tất Đạt Đa. Bởi, ngay từ khoảnh khắc sinh ra, Ngài đã tự cho mình là người tôn quý nhất.
Bài viết dưới đây sẽ lý giải, phá đi sự nghi ngờ cho bạn về câu nói của Thái tử Tất Đạt Đa.
Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn là gì?
“Thiên thượng” là trên trời; “thiên hạ” là dưới trời; “duy ngã” là chỉ có ta là tôn quý nhất; “độc” nghĩa là độc nhất, tôn quý nhất. “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” có nghĩa là “Trên trời dưới trời, chỉ có ta là tôn quý nhất”.
Vậy theo cách hiểu trên, phải chăng Thái tử là người kiêu mạn, cho mình là cao quý nhất – trái ngược với bản chất của đạo Phật là đạo vô ngã, vị tha?
Lý giải câu nói của Thái tử Tất Đạt Đa
Câu nói này đúng sự thật. Giống như việc giới thiệu: đây là chủ tịch, đây là phó bí thư,… thì việc Ngài dõng dạc tuyên bố “Ta là tôn quý nhất” là đúng “danh”. Xét về đức, về công hạnh thì Ngài chính là bậc tối tôn nhất và hoàn toàn không có ai có thể so sánh được dù là chư Thiên, Phạm Thiên đi chăng nữa.
Cho nên, lời tuyên bố này của Ngài hoàn toàn xác đáng. Và Đức Thế Tôn tuyên bố cũng là để chúng sinh biết đến sự xuất hiện của Ngài – nơi quy hướng của muôn loài, từ đó chúng sinh biết đường tìm về để nương tựa.
Đức Phật có khiêm hạ không?
Để nói về tính khiêm hạ thì không ai bằng Đức Phật. Khi Ngài thành đạo sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội cây Bồ Đề, Ngài đã dùng thiên nhãn của mình tìm hết các cõi; các tầng Trời, người…để xem trong nhân gian còn có ai tôn quý hơn, xứng đáng làm bậc Thầy để Ngài đến đảnh lễ.
Nhưng, sau khi quán sát, Ngài không thấy ai có đủ đức, đủ trí hơn mình; dù là Trời, người hay trong các cõi ma. Vì thế Ngài đã quay về và đảnh lễ Pháp mà mình chứng được – tức là đảnh lễ chân lý.
Rõ ràng, nếu như với suy nghĩ của một người tầm thường, thì khi chỉ có một chút tài năng, người đó sẽ tự vỗ ngực, coi tất cả đều nhỏ bé. Nhưng Thái tử với tâm khiêm hạ, dù đã trở thành Đức Phật toàn giác, thì Ngài vẫn đi tìm xem có ai hơn mình để đảnh lễ. Điều này thể hiện đức khiêm hạ của Ngài là không ai có thể so sánh được.
Như vậy, “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là câu nói bất hủ, hoàn toàn xác đáng; xét đầy đủ công hạnh, đây chính là lời tuyên ngôn, chứ không phải là kiêu mạn.