Cursor vs Windsurf: So sánh và phối hợp cả hai cho việc phát triển hệ thống, phần mềm

Cursor vs Windsurf: So sánh và phối hợp cả hai cho việc phát triển hệ thống, phần mềm
0 Shares

1. Giới thiệu

Trong thời đại mà AI đang thay đổi cách chúng ta phát triển phần mềm, hai công cụ nổi bật đang được nhiều lập trình viên quan tâm là Cursor và Windsurf. Cả hai đều là những trình soạn thảo mã nguồn tích hợp AI mạnh mẽ, nhưng liệu chúng có gì khác biệt và làm thế nào để kết hợp chúng hiệu quả?

Bài viết này chia sẻ góc nhìn cá nhân và trải nghiệm thực tế của tôi khi sử dụng cả hai công cụ này trong công việc hàng ngày. Thay vì lặp lại những so sánh đã có trên mạng, tôi sẽ tập trung vào những nhận xét chủ quan và chiến lược tối ưu để kết hợp cả CursorWindsurf.

Tóm tắt: Cursor vẫn là lựa chọn dẫn đầu. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng Windsurf để tiết kiệm hơn với chế độ thinking mode, trong khi dùng Cursor cho các tác vụ đòi hỏi nhiều tool actions.

2. Điểm tương đồng

2.1. Nền tảng VS Code và khả năng AI

Cả Cursor và Windsurf đều được xây dựng trên nền tảng VS Code, mang đến trải nghiệm quen thuộc cho hầu hết các lập trình viên. Điều này giúp giảm đáng kể learning curve khi chuyển đổi từ VS Code thông thường sang các công cụ được tăng cường bởi AI này.

Cả hai đều cung cấp chế độ Chat và Agent. Mặc dù mỗi công cụ sử dụng thuật ngữ khác nhau, nhưng về cơ bản chúng đều mang đến khả năng tương tác với AI và hỗ trợ coding một cách hiệu quả.

Về hiệu năng, tôi thấy cả Cursor và Windsurf đều cho kết quả rất ấn tượng với độ chính xác cao. Tuy nhiên, sau nhiều dự án, tôi nhận thấy Cursor có phần nhỉnh hơn về khả năng nắm bắt vấn đề và kiểm soát context một cách toàn diện.

3. Điểm khác biệt chính giữa Cursor và Windsurf

3.1. Trải nghiệm người dùng (UX) – Windsurf chiến thắng

Nếu nói về UX, Windsurf thực sự nổi bật với giao diện mềm mại và animation tinh tế hơn. Như tôi thường ví von, Cursor có xu hướng “chém đinh chặt sắt” khi tác động vào source code của bạn, trong khi Windsurf tiếp cận một cách nhẹ nhàng và thanh lịch hơn.

Các menu, tooltip và thông báo trong Windsurf được thiết kế tỉ mỉ, tạo cảm giác chuyên nghiệp và hiện đại. Tuy nhiên, cần công nhận rằng Cursor đã và đang cải thiện đáng kể về mặt này trong các phiên bản gần đây.

3.2. Mô hình giá – Sự đánh đổi thú vị

Cursor có giá cao hơn ở mức 20$/tháng so với 15$/tháng của Windsurf. Cả hai đều cung cấp 500 Pre Calls/Requests trong gói cơ bản.

Điểm đáng chú ý là cách tính phí cho các tính năng:

  • Windsurf tính 1.25x credits cho thinking mode, trong khi Cursor tính đến 2x.
  • Ngược lại, Cursor không tính phí cho các tool call/actions trong agent flow, trong khi Windsurf giới hạn ở 1500 lượt và yêu cầu thanh toán thêm khoảng 10$ cho mỗi 300 lượt bổ sung

Một lợi thế không thể bỏ qua của Cursor là khi bạn đã sử dụng hết 500 pre requests, bạn vẫn có thể sử dụng chế độ slow request mà không tốn thêm phí. Đây là giải pháp cứu cánh cho những ngày cuối tháng khi đã hết lượt sử dụng.

Từ sự phân tích này, chiến lược tối ưu về chi phí là: sử dụng Windsurf để tiết kiệm trong các tác vụ thinking mode, và chuyển sang Cursor cho những tác vụ cần nhiều tool actions.

3.3. Tính năng: Models, Rules và MCP – Cursor dẫn đầu áp đảo

Về số lượng models được hỗ trợ, Cursor vượt trội hơn hẳn. Mặc dù cá nhân tôi chủ yếu sử dụng DeepSeek và Claude 3.x Sonnet (có ở cả hai nền tảng), nhưng Cursor còn cho phép tích hợp API Keys từ nhiều nhà cung cấp khác như Anthropic, OpenAI, Google và Azure. Windsurf hiện tại vẫn chưa hỗ trợ tính năng này.

Về Rules, Cursor cho phép tùy chỉnh chi tiết:

  • Áp dụng cho các pattern file và folder cụ thể
  • Cấu hình chế độ áp dụng: manual, always, hoặc auto
  • Thiết lập các quy tắc riêng cho từng dự án

Windsurf còn hạn chế trong việc hiệu chỉnh Rules và không cho phép kiểm soát chi tiết về nơi và cách áp dụng chúng.

Đối với MCP (Multi-Component Processing), Windsurf chỉ hỗ trợ stdio mà không sử dụng SSE (Server-Sent Events). Hơn nữa, hiện tại Windsurf chưa hỗ trợ thiết lập MCP ở mức dự án mà chỉ cho phép cấu hình MCP toàn cục.

3.4. Xử lý Context – Cursor tiếp tục dẫn đầu

Với chế độ Agent, Cursor cung cấp khoảng 60-120k window token size – một con số ấn tượng cho phép xử lý các dự án lớn. Khi đạt đến giới hạn, Cursor thông minh tự động “rút gọn” context để duy trì hiệu suất.

Cursor còn cho phép tùy chỉnh chi tiết về những phần bạn không muốn đưa vào context hoặc index, giúp tối ưu hóa quá trình xử lý và giảm nhiễu thông tin.

Trong khi đó, Windsurf không công bố rõ về giới hạn token size, nhưng qua trải nghiệm, tôi nhận thấy nó tiêu thụ tokens khá nhanh và thường dừng đột ngột workflow. Người dùng phải thủ công nhập “continue” để tiếp tục. Điều đáng lưu ý là khi workflow càng dài, Windsurf có xu hướng “quên” nhiệm vụ ban đầu nhiều hơn.

4. Chiến lược kết hợp hiệu quả

Từ những phân tích trên, tôi đã phát triển chiến lược sử dụng kết hợp cả hai công cụ:

  1. Windsurf cho các tác vụ đơn giản và thinking mode: Khi cần brainstorming ý tưởng, phân tích code đơn giản hoặc các tác vụ không đòi hỏi nhiều tool actions, Windsurf là lựa chọn tiết kiệm hơn.
  2. Cursor cho các dự án phức tạp: Khi làm việc với codebase lớn, cần nhiều tool actions hoặc tùy chỉnh rules chi tiết, Cursor là công cụ vượt trội.
  3. Windsurf cho code Frontend UI/UX: Khả năng trực quan hóa và animation mượt mà của Windsurf đặc biệt hữu ích khi làm việc với các thành phần giao diện.
  4. Cursor cho các giai đoạn cuối tháng: Tận dụng tính năng slow request miễn phí khi đã sử dụng hết lượt.

Kết luận

Sau nhiều tháng sử dụng cả Cursor và Windsurf, tôi vẫn thấy Cursor là công cụ toàn diện hơn cho nhu cầu phát triển phần mềm hàng ngày. Với tốc độ phát triển hiện tại, có vẻ như Cursor sẽ tiếp tục mở rộng khoảng cách với đối thủ.

Tuy nhiên, Windsurf không phải là lựa chọn tồi – đặc biệt với UX tuyệt vời và pricing model linh hoạt cho thinking mode. Sự kết hợp thông minh giữa hai công cụ này có thể tối ưu hóa cả hiệu suất làm việc và chi phí.

Cuối cùng, lựa chọn công cụ vẫn phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của mỗi lập trình viên và đặc thù dự án. Đừng ngần ngại thử nghiệm cả hai để tìm ra sự kết hợp phù hợp nhất cho quy trình làm việc của bạn.