Cuộc đàm phán về GATS – Hiệp định chung về thương mại dịch vụ

0 Shares

Việc ký kết một thỏa thuận về thương mại dịch vụ trong khuôn khổ những quy tắc của hệ thống thương mại có lẽ là khía cạnh mới mẻ nhất của Vòng Uruguay. Hơn thế nữa, một phần lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là đổ vào các khu vực cung ứng dịch vụ. Việc tích hợp lĩnh vực dịch vụ vào quy tắc thương mại đã lần đầu tiên liên quan đến việc cung ứng dịch vụ xuyên biên giới quốc gia.

Thương mại dịch vụ đã bị bỏ ra ngoài Hiệp định GATT và ý nghĩa của nó trong quan hệ kinh tế quốc tế nói chung đã không được đánh giá đầy đủ. Dịch vụ không chỉ xuyên qua biên giới theo những cách thức giống như hàng hóa, khi người bán và người mua ở cách xa nhau và gửi hàng qua biên giới. Về bản chất, dịch vụ là không thể lưu trữ được: hành vi sản xuất và tiêu thụ về bản chất là diễn ra đồng thời. Vì lý do này, nhà cung cấp dịch vụ và người thụ hưởng dịch vụ phải liên hệ với nhau. Điều này đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa về thông tin không đối xứng vì người sử dụng dịch vụ thường không biết dựa vào đâu mỗi khi gặp dịch vụ kém chất lượng. Các chính phủ nói chung giữ một thái độ điều tiết mạnh mẽ trên thị trường dịch vụ, thường là bằng cách điều tiết nhà cung cấp dịch vụ và quy trình cung cấp dịch vụ. Phương pháp điều tiết này hiển nhiên tự nó sẽ trở nên khó khăn trong trường hợp dịch vụ xuyên biên giới. Nhưng nó cũng tương đối dễ dàng dẫn tới sự phân biệt đối xử với nhà cung cấp nước ngoài. Như vậy, thách thức chính trong công cuộc tích hợp dịch vụ vào hệ thống thương mại là ở chỗ xác định hành động hướng nội nào trong thực tế là rào cản thương mại, còn những quy định nào là cần thiết và cẩn trọng.

Hơn thế nữa, không thể đạt tới thỏa thuận về tự do hóa thương mại dịch vụ chỉ bằng cách áp dụng những quy tắc cũ về không phân biệt đối xử vào các lĩnh vực được ghi trong danh mục. Dựa trên thành công của công thức đó trong bốn mươi năm qua các vòng đàm phán của GATT, các nhà thương thuyết về thương mại dịch vụ đã bắt đầu công việc với một bộ khung pháp lý, đòi hỏi tất cả các bên phải cung cấp không điều kiện sự đối xử tối huệ quốc cho lĩnh vực dịch vụ của các bên còn lại và cho các lĩnh vực dịch vụ phụ đã được khẳng định trong danh mục mà lẽ ra sẽ được đối xử theo nguyên tắc đối xử quốc gia. Cách tiếp cận này hoàn toàn thất bại bởi vì tính không đối xứng trong độ cởi mở, nghĩa là các quốc gia có các lĩnh vực dịch vụ phụ khép kín chỉ có thể hưởng lợi về kinh tế nhờ những dịch vụ mở: những nền kinh tế khép kín gần như không đưa vào danh mục khẳng định bất kỳ lĩnh vực phụ khép kín nào của họ và mong đợi rằng khung pháp lý sẽ bảo đảm cho họ quyền tiếp cận các nền kinh tế mở nhờ vào quy chế tối huệ quốc. Kết quả là, vào giai đoạn cuối của Vòng Uruguay, Hoa Kỳ đã thay đổi thành công các quy tắc của các cuộc đàm phán, chấp nhận vi phạm yêu cầu về quy chế tối huệ quốc trong một số lĩnh vực dịch vụ phụ nhưng quan trọng. Sự chuyển dịch đó tạo ra mối đe dọa có thực là đóng cửa các lĩnh vực phụ trong thương mại dịch vụ đối với các quốc gia không hợp tác và đòi hỏi những đề nghị nghiêm túc từ các quốc gia đang tự do hóa các lĩnh vực dịch vụ phụ quan trọng. Gần như cùng một lúc khoảng tám mươi quốc gia đã đặt lên bàn những đề nghị về tiếp cận các thị trường dịch vụ và những đề xuất này được đồng ý và đưa vào danh mục của quốc gia.

Kể từ đó Vòng Uruguay tỏ ra thành công trong việc sản sinh ra một thỏa thuận về Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS). Hiệp định GATS bao gồm những nguyên tắc chung chi phối các chính sách có ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ (bao gồm cả quy chế tối huệ quốc không điều kiện và đối xử quốc gia với các lĩnh vực có trong danh mục), các danh mục quốc gia chi tiết hóa mức độ mà mỗi quốc gia đồng ý cung cấp sự tiếp cận vào khu vực dịch vụ, các phụ lục bao hàm những chi tiết về các dịch vụ đặc thù (mà đối với chúng các thỏa thuận dịch vụ khác có thể, và trong thực tế đã, được thêm vào); và hai thỏa thuận quan trọng đặc biệt liên quan đến các lĩnh vực dịch vụ phụ, chi phối dịch vụ viễn thông và tài chính căn bản. Hội đồng về Thương mại Dịch vụ được thành lập để điều hành việc thực thi thỏa thuận này. Ở nơi đâu đã tồn tại các thỏa thuận song phương về quyền tiếp cận dịch vụ thì Hiệp định GATS đòi hỏi các thỏa thuận ấy phải mở rộng cho việc thương thuyết của các thành viên khác và chúng phải được thông báo cho WTO. Hai loạt thương thuyết khác cho đến nay chỉ đạt được những kết quả tối thiểu, trong lĩnh vực vận tải biển và các điều kiện cho việc thuyên chuyển các công nhân dịch vụ tạm thời (sự chuyển dịch của con người tự nhiên) như chúng ta sẽ thảo luận bên dưới.

Hiệp định GATS phân biệt bốn “phương thức” cung ứng một dịch vụ: bán trực tiếp xuyên biên giới (chẳng hạn như dịch vụ Internet hoặc điện thoại viễn liên); tiêu thụ ở nước ngoài (như trong trường hợp du lịch); thiết lập sự hiện diện thương mại (mở chi nhánh hoặc ngân hàng) và tạm nhập cảnh của nhà cung cấp dịch vụ (ví dụ những người không phải là người bản xứ vào làm công tác tư vấn hoặc các nhiệm vụ xây dựng đặc biệt). Trong bốn phương thức giao nhận dịch vụ này, phương thức giống với giao nhận hàng hóa nhất là cung cấp trực tiếp xuyên biên giới. Nhưng trong trường hợp thương mại dịch vụ, vì không có món hàng vật chất nào được di chuyển xuyên biên giới cho nên các giới hạn thương mại sẽ gần như chỉ có thể vận hành hoàn toàn “sau biên giới”. Trong thực tế, “dấu vết” duy nhất của hoạt động thương mại này chính là các khoản giao dịch tài chính đi kèm với dịch vụ ấy. Nếu như quy định được thực hiện ở địa điểm sản xuất thì điểm ấy thường thuộc thẩm quyền thực thi pháp lý của quốc gia của người xuất khẩu, chẳng hạn như quê quán của người đó. Và từ đó thì chính phủ của các nhà nhập khẩu sẽ gặp khó khăn trong việc giám sát đầy đủ những giao dịch như vậy.

Hiệp định GATS vẫn còn trong giai đoạn ấu thơ. Nhiều lĩnh vực dịch vụ chưa được tính tới, nhiều khía cạnh của thương mại dịch vụ vẫn chưa được đem ra thương thảo. Điều này bao gồm những vấn đề như trợ cấp trả cho người cung ứng dịch vụ, việc mua sắm dịch vụ của chính phủ, các biện pháp an toàn trước làn sóng nhập khẩu, các tiêu chuẩn kỹ thuật được coi như rào cản đối với thương mại dịch vụ, phẩm chất của các nhà cung cấp dịch vụ, và tiến trình xét cấp giấy phép cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Dù quy định về nhà cung cấp dịch vụ từ nước ngoài và sự kiểm soát các cơ sở dịch vụ ở nước khác đã đưa chính sách thương mại vào sâu sau biên giới, người ta vẫn nhấn mạnh đến các khía cạnh nào của quy định có liên quan tới thương mại. Những dịch vụ không liên quan tới thương mại và những quy định chỉ liên quan một cách tình cờ thì không được tính đến.

Dù sao đi nữa, cần lưu ý rằng GATS có một số ẩn ý quan trọng và tức thời, ngay cả trong lĩnh vực mà những thỏa thuận đặc biệt chưa được thương thảo. Nó áp đặt một yêu cầu về “tính minh bạch”, nghĩa là mọi quy định ảnh hưởng tới thương mại phải được xuất bản ra và cung ứng sẵn cho các đối tác thương mại. Và các thành viên phải có trình tự thủ tục tố tụng hoặc gần như thủ tục tố tụng như là các tòa án hành chính để xem xét các quyết định hành chính có ảnh hưởng tới thương mại dịch vụ. Hơn thế nữa, cung cách mà các quốc gia điều tiết các công ty độc quyền (chẳng hạn như các tập đoàn dịch vụ viễn thông) sẽ bị hạn chế để bảo đảm rằng những công ty độc quyền này không phân biệt đối xử chống lại nhà cung cấp nước ngoài. Như vậy, thỏa thuận này là bước đi chủ yếu tiến tới một bộ tiêu chuẩn toàn thế giới, đòi hỏi nền hành chính phải vận hành trong những kiểu mẫu luật pháp tương tự như kiểu mẫu tiêu biểu ở Hoa Kỳ và châu Âu mà ít tiêu biểu đối với châu Á hoặc các quốc gia đang phát triển còn nghèo khó.

Mặc dù những điều kiện chính trị và thương mại chung quanh hoạt động dịch vụ có phần đặc thù theo từng kiểu dịch vụ, một cuộc thảo luận vắn tắt về bốn lĩnh vực quan trọng nhất trong thương mại hàng hóa sẽ đưa ra một chỉ dấu cả về quy mô của cam kết thương mại lẫn những khó khăn trong việc tích hợp những hoạt động như vậy vào quy tắc thương mại.

1. Dịch vụ viễn thông:

Lĩnh vực viễn thông (telecom) giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế hiện đại, “toàn cầu”, thông qua việc chuyển tải thông tin ngày càng nhanh chóng giữa các cá nhân và doanh nghiệp. Tích hợp lĩnh vực này vào Hiệp định GATS vừa dễ gây ra bất đồng nhưng cũng vừa đáp ứng mong muốn. Nếu như tự do hóa dịch vụ mang lại lợi ích thì viễn thông chính là ứng viên hàng đầu của sự nghiệp đó. Nhưng ở nhiều nước, viễn thông là một dịch vụ công ích, những dịch vụ viễn thông cơ bản được coi là một đặc quyền nội địa. Phụ lục GATS về viễn thông xác định rõ ràng nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được tiếp cận cơ sở hạ tầng cơ bản của mạng viễn thông công cộng mà không có sự phân biệt đối xử nào. Trong khi một số nước liệt kê một số dịch vụ viễn thông có giá trị gia tăng vào danh mục của họ, đưa những dịch vụ này vào luật không phân biệt đối xử theo quy định của phụ lục thì Vòng Uruguay kết thúc mà không có cam kết cụ thể nào về tự do hóa các dịch vụ viễn thông cơ bản như dịch vụ thoại chẳng hạn.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Vòng Uruguay kết thúc, một thỏa thuận bao hàm các cam kết về tự do hóa các dịch vụ viễn thông căn bản được đem ra thương thảo. Thất bại trong việc đạt tới một thỏa thuận trong thời gian vòng đàm phán có lẽ là do phán đoán sai hơn là do những khác biệt căn bản khi thương thuyết. Và ngay sau Vòng Uruguay, có hai sự kiện kết hợp với nhau tạo thuận lợi cho việc đi đến một thỏa thuận. Một là Hoa Kỳ đưa lực lượng thị trường của mình ra gánh chịu những cuộc thương thảo căn bản về viễn thông thời kỳ hậu Vòng Uruguay. Khi vòng đàm phán kết thúc, các nhà đàm phán của GATT/WTO đồng ý tiếp tục thương thảo về dịch vụ viễn thông căn bản. Cùng lúc đó, Hoa Kỳ cắt giảm cam kết về quy chế tối huệ quốc trong lĩnh vực viễn thông căn bản, và hé cho thấy sẽ đe dọa phân biệt đối xử với các nhà cung cấp dịch vụ từ các quốc gia không sẵn sàng thương thảo (Steinberg 1994). Hai là, người tiêu dùng các dịch vụ viễn thông căn bản đã tổ chức lại ở một số quốc gia, đòi hỏi tự do hóa để họ có thể làm việc có năng suất cao hơn nhờ vào những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghệ thông tin mở ra. Điều đó đã lay chuyển chính sách thương mại của các nước, chống lại các công ty độc quyền về bưu chính, điện tín và điện thoại (PTT) vốn trước đây rất hùng mạnh (Borrus và Cohen 1997). Từ đó trở đi việc ký kết thỏa thuận tự do hóa các dịch vụ viễn thông căn bản đã được kích thích bởi quyết định của Ủy ban Truyền thông Liên bang vào cuối năm 1996, áp đặt một mức giá trần mà nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Hoa Kỳ có thể thanh toán cho các nước khác, một biện pháp điều tiết đơn phương đã kéo tụt mức cước thanh toán một cách ngoạn mục (Cowhey và Sherman 1998).

Cũng từ đó, các cuộc thương thảo đã kết thúc thành công vào tháng 2-1997 với một Hiệp định về Dịch vụ Viễn thông Căn bản (Agreement on Basic Telecommunications). Hiệp định điều phối có hiệu quả những nhà điều hành quốc gia tức là những công ty độc quyền về PTT cũ. Ở nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, thỏa thuận giúp cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước ngoài làm suy giảm đáng kể thị phần, kích thước quy mô và quyền kiểm soát của các công ty độc quyền về PTT. Một vài người cho rằng những quy định quốc gia mới ở một số nước có thể thuận lợi cho việc thành lập những công ty viễn thông tư nhân độc quyền hoặc tình trạng các công ty đều có thị phần nhưng không ai độc quyền chi phối, thay thế các công ty PTT bằng những tư nhân trục lợi.

2. Dịch vụ tài chính:

Một lĩnh vực khác cũng rất căn bản đối với sự vận hành suôn sẻ nền kinh tế toàn cầu là dịch vụ tài chính. Việc bao hàm dịch vụ tài chính vào Hiệp định GATS tự nó là một thành quả lớn trên con đường tiến tới mở cửa một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Nhưng mức độ mà quy tắc về chống phân biệt đối xử có thể áp dụng trong lĩnh vực này thì lại bị hạn chế. Trách nhiệm giám sát cẩn thận được dành cho các chính phủ, cùng với những công cụ cần thiết cho việc kiểm soát chính sách tiền tệ.

Cũng giống như trong dịch vụ viễn thông căn bản, những cam kết đặc thù cho công cuộc tự do hóa dịch vụ tài chính đã vượt quá tầm hiểu biết của các nhà thương thuyết tham dự Vòng Uruguay. Và cũng như các dịch vụ viễn thông căn bản, sự thúc đẩy tiến tới một thỏa thuận sau Vòng Uruguay chính là sự dịch chuyển vào phút cuối những nguyên tắc pháp lý sẽ được áp dụng vào lĩnh vực dịch vụ này. Trong những ngày cuối cùng của Vòng Uruguay, Hoa Kỳ đã thương thuyết một ngôn ngữ cho phép họ cắt giảm quy chế tối huệ quốc trong lĩnh vực tài chính sáu tháng sau ngày Hiệp định GATS bắt đầu có hiệu lực. Vào tháng 7-1995 khi các cuộc thương thảo hậu Uruguay thất bại mà không đưa ra được một gói cam kết có đủ số thành viên ký kết, Hoa Kỳ đã hành xử quyền thực hiện sự cắt giảm của mình, và nâng cao một cách hiệu quả sự may rủi của các quốc gia khác bằng cách ngấm ngầm đe dọa sẽ phân biệt đối xử với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính từ các quốc gia chống đối. Kết quả là áp lực này đã sản sinh ra một thỏa thuận về dịch vụ tài chính vào tháng 12-1997.

3. Di chuyển Con người Tự nhiên:

Các dịch vụ thường được cung ứng bởi một số công nhân có tay nghề đặc thù tạm thời nhập cảnh vào quốc gia cần có dịch vụ đó. Giấy phép làm việc và các giới hạn về thị thực nhập cảnh làm tăng giá thành của dịch vụ. Sự phân biệt đối xử trong số những người tạm cư cũng là một vấn đề tiềm tàng mà người cung cấp dịch vụ phải tính đến. Vòng Uruguay đã ký kết một bản phụ lục về “sự di chuyển những con người tự nhiên” (nghĩa là đối lập với các tổ chức doanh nghiệp) trong việc cung ứng dịch vụ. Tuy nhiên cuộc thương thảo về các đề nghị tự do hóa vẫn bị kéo dài sau khi Vòng Uruguay kết thúc và cuối cùng các bên cũng đạt được một sự đồng thuận hạn chế về các điều khoản như vậy vào năm 1996. Các nhà thương thuyết đã cẩn thận phân biệt cách đối xử với những công nhân tạm thời với những điều kiện nhập cư những người muốn kiếm việc làm, hoặc chấp nhận làm việc vĩnh viễn, cũng như những vấn đề về quốc tịch và quyền nhập tịch.

Mặc dù có vẻ thận trọng về quy mô, khía cạnh này của Hiệp định GATS cũng thể hiện một “tiến bộ” về lượng quan trọng đối với các quy tắc thương mại. Trong việc ứng xử với khía cạnh đặc thù này của việc chuyển dịch lao động như là một vấn đề cần được xem xét theo những quy tắc đã được thỏa thuận và áp đặt những hạn chế lên hành động của các chính phủ cầm quyền, Hiệp định hé mở cánh cửa cho việc giới thiệu những vấn đề di dân khác nếu các quốc gia tin rằng làm như vậy là thích hợp. Sự phân biệt giữa hàng hóa mua bán được và dịch vụ đang ngày càng yếu dần, và việc này, đến lượt nó, làm nhòa đi quan niệm rằng thương mại và yếu tố di chuyển nên được phân biệt rõ ràng và được đối xử bằng những quy tắc khác nhau.

4. Vận tải biển:

Cần lưu ý một thất bại nghiêm trọng của nghị trình GATS trong việc cam kết tự do hóa là các quốc gia không có khả năng đồng ý về thời biểu mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải biển. Các nhà thương thuyết lúc nào cũng gặp khó khăn. Các quốc gia thường có những quy định ưu tiên hoạt động vận tải, nhất là vận tải ven sông ven biển, cho những đội thuyền của mình. Động lực của họ rất đa dạng, từ hỗ trợ ngành công nghiệp đóng tàu đến giành lợi thế quân sự nhờ có đội thương thuyền hàng hải quốc nội. Hoa Kỳ không ở trong vị trí dẫn đầu nên có thiên hướng đưa Đạo luật Jones ra bàn bạc. Đó là một chương trình ưu ái cho các tàu biển ngoại quốc được tiếp cận một cách hạn chế để vận chuyển hàng hóa trong phạm vi vùng biển gần bờ. Những biến thể của điều luật này lại nảy sinh từ sự có mặt của các hiệp hội hàng hải mong muốn hạn chế hoạt động vận tải viễn dương tại một số khu vực nào đó để kiểm soát sự cạnh tranh. Những cuộc thảo luận về các cam kết trong lĩnh vực này theo dự kiến đã kết thúc vào tháng 6-1996 nhưng không đi đến sự ký kết nào. Cuộc thương thảo tiếp tục theo “nghị trình định sẵn” cho đến nay vẫn không tạo ra được cuộc khai thông nào trong lĩnh vực này.

5. Những cuộc thương thảo tương lai về lĩnh vực dịch vụ:

Hiệp định GATS công nhận hàng loạt lĩnh vực dịch vụ có thể được điều chỉnh theo những quy định đã thống nhất và được kích thích bởi sự tự do hóa nhiều hơn nữa, và ràng buộc các quốc gia vào việc tiếp tục tiến trình thương thảo, vừa mở rộng quy mô vừa bao hàm thêm nhiều lĩnh vực. Kết quả là quá trình thương thảo về kéo dài thỏa thuận dịch vụ đã tiếp tục được diễn ra. Cùng với nông nghiệp và một số vấn đề thứ yếu khác, nó đã tạo nên một “nghị trình định sẵn”sau Vòng Uruguay, một nghị trình không phụ thuộc vào việc khởi động một vòng đàm phán mới. Nhưng dù sao tình trạng không rõ ràng sinh ra từ thất bại của Hội nghị Bộ trưởng tại Seattle cũng đã làm chậm tiến trình đó, và cần có sự khởi động của vòng đàm phán mới tại Doha để hồi sinh cuộc thương thảo về lĩnh vực dịch vụ. Thất bại vì không đạt được thỏa thuận tại Cancun hai năm sau đó tất nhiên làm dấy lên các nghi vấn về tương lai của những cuộc thương thảo này.

6. Những nguyên tắc đằng sau quy tắc về thương mại dịch vụ:

GATT đã vận dụng tốt đến mức nào các nguyên tắc không phân biệt đối xử, đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia vào thương mại dịch vụ? Theo ngôn ngữ chính trị, câu trả lời là không tốt lắm. Những nguyên tắc của GATT về không phân biệt đối xử, quy chế tối huệ quốc và đối xử quốc gia chỉ hoạt động tốt khi áp dụng cho thương mại hàng hóa bởi vì thuế suất trong những năm đầu tiên của Hiệp định GATT thì tương đối cao và đồng nhất. Với tình trạng thị trường đóng kín ở hầu hết các quốc gia là khởi điểm cho các cuộc thương thảo, những nguyên tắc không phân biệt đối xử có thể vận hành trong mối liên kết với một quy tắc về tính hỗ tương trong tự do hóa thương mại hàng hóa chứ không tự tung tự tác ai muốn làm gì thì làm. Trái lại, khởi điểm của những cuộc thương thảo về tự do hóa thương mại dịch vụ có một cấu trúc khác hẳn: một số thị trường (như Hoa Kỳ chẳng hạn) đã mở rộng, trong khi những thị trường khác vẫn đóng. Việc sao chép đơn giản những nguyên tắc không phân biệt đối xử cũ của GATT vào dự thảo Hiệp định GATS đã tạo ra một ưu đãi cho những quốc gia khép kín được tự tung tự tác bằng cách dựa vào nguyên tắc tối huệ quốc để duy trì quyền tiếp cận thị trường các quốc gia cởi mở mà không đưa nghĩa vụ mở cửa thị trường của chính mình vào hoạt động thương mại dịch vụ. Như đã thấy qua các cuộc thương thảo về dịch vụ viễn thông căn bản và dịch vụ tài chính, chỉ có thể đạt được tự do hóa sau khi thị trường mở lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ tiến hành cắt giảm cách đối xử tối huệ quốc.

Về phương diện tính hiệu quả hình thức, tính chất có thể áp dụng ngay được của các nguyên tắc của GATT trong ngành dịch vụ gần như hoàn toàn tùy thuộc vào phương thức giao nhận dịch vụ. Làm thế nào có thể xác định MFN và đối xử quốc gia trong trường hợp các vụ chuyển dịch dịch vụ xuyên biên giới? Các quy định điều chỉnh việc cung cấp một dịch vụ nào đó từ nước ngoài thường có khuynh hướng phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp nếu những điều kiện ở các thị trường xuất khẩu và nhập khẩu dịch vụ có khác nhau; và có khi phân biệt đối xử giữa các dịch vụ trong nước và nước ngoài chỉ như là một chức năng trong bản chất các rủi ro phải đối mặt. Về cơ bản, vấn đề thường được ủy cho thiện ý của chính phủ nước nhập khẩu có chấp nhận hay không khả năng của chính phủ nước xuất khẩu trong việc điều hành các nhà cung cấp dịch vụ mà họ mong muốn. Điểm này thì liên quan nhiều tới sự công nhận lẫn nhau giữa các thực thể hành chính hơn là quy chế tối huệ quốc truyền thống hoặc đối xử quốc gia như là một hướng dẫn cho chính sách.

Trong trường hợp dịch vụ được “tiêu thụ ở nước ngoài”, những nguyên tắc không phân biệt đối xử được áp dụng trực tiếp hơn nhiều. Giờ đây ít có quốc gia nào hạn chế phương cách tiêu dùng cá nhân của du khách, và một số quốc gia khác đã chuẩn bị du hành tới các dịch vụ tiêu dùng trên căn bản nguồn gốc dân tộc của họ, mặc dù sự tiêu thụ các dịch vụ công cộng có thể sẽ bị hạn chế nghiêm trọng. Phương thức cung cấp dịch vụ này là phương thức ít gây ra bất đồng nhất và có lẽ là một trong các phương thức ít có xu hướng phân biệt đối xử.

Trái lại phương thức cung ứng dịch vụ thứ ba được xác định trong Hiệp định GATS, việc thiết lập các cơ sở nước ngoài, lại đặt ra nhiều câu hỏi gây bất đồng hơn nhiều, chẳng hạn như về hoạt động của các quy định đối nội. Người ta có thể lập luận rằng, bảo đảm không có sự phân biệt đối xử giữa các thành viên WTO là điều thích hợp cũng giống như phân biệt đối xử ưu ái hơn cho những mối quan tâm quốc nội. Tất cả các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cần phải có khả năng có quyền hạn giống như người trong nước trong việc thiết lập những cơ sở cung ứng dịch vụ để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước, nhưng trong thực tế sự phân biệt đối xử như vậy thường rất khó tránh khỏi. Những vấn đề về quốc tịch, nỗi lo an ninh, các ưu đãi mang tính khu vực, những quan tâm về văn hóa và chủng tộc… tất cả đều có vai trò trong sự phân biệt đối xử giữa những nhà cung cấp dịch vụ. Trái với việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, sự hiện diện thương mại thường ngụ ý “sự kiểm soát của nước chủ nhà”. Nước nhập khẩu sẽ có trách nhiệm ban hành các quy định mang tính pháp lý và cấp chứng nhận cho nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Nhiệm vụ làm cho việc này tương thích với các nguyên tắc không phân biệt đối xử có vẻ như là một thách thức cho hệ thống thương mại trong những năm sắp tới. Các thỏa thuận song phương và khu vực giữa các quốc gia có thể là giải pháp thích hợp để gia tăng cạnh tranh trong các lĩnh vực dịch vụ quốc nội.

Phương thức thứ tư, sự hiện diện của công nhân dịch vụ tạm thời, cũng đặt ra nhiều thách thức có ý nghĩa cho nguyên tắc không phân biệt đối xử. Tất cả các quốc gia đều có chính sách phân biệt đối xử về di cư và cấp thị thực nhập cảnh; cho nên gần như không thể đồng ý với nhau về một chính sách không phân biệt đối xử. Thực vậy, quan niệm về quốc tịch và tư cách công dân tự nó đã đâm chồi bén rễ trong sự phân biệt đối xử dù nó thường đi cùng với khả năng người nhập cư thừa nhận những nghĩa vụ và hưởng thụ những lợi ích từ sự phân biệt đối xử ưu ái cho công dân của một nước nào đó. Công nhân dịch vụ tạm thời thì thường không có được sự đối xử bình đẳng trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội. Đối với công nhân nội địa, sự phân biệt đối xử như vậy có vẻ hợp lý nhưng chắc chắn là nó sẽ gây tác động lên việc cung ứng các dịch vụ mua bán được từ phía người nước ngoài. Mặc dù nó phù hợp với logic của thị trường tự do toàn cầu theo đó nhà cung cấp dịch vụ được tự do đi lại để tìm khách hàng (và ở một số khu vực trên thế giới, sự tự do đi lại như vậy được áp dụng rộng rãi có lợi cho khách hàng và cho cả công nhân nữa), sự xung đột với thực tế chính trị là điều hiển nhiên. Hệ thống thương mại có lẽ cần phải tìm một quy tắc ít không tưởng hơn trong vấn đề “sự di chuyển của con người tự nhiên”.

Bản thân Hiệp định GATS phản ánh những vấn đề này. Đối xử quốc gia chỉ được cung ứng một cách chọn lọc trong danh mục của từng quốc gia. Sự kiện các quốc gia có thể tự do hóa một số phương thức giao nhận dịch vụ nào đó mà không tự do hóa các phương thức khác củng cố cho sự mất cân bằng này. Cần có thêm nhiều vòng thương thảo nữa trước khi các nhà cung ứng dịch vụ có thể quyết định mình sẽ giao dịch với ai và ở đâu để công việc kinh doanh không gặp phải sự phức tạp do các quy định quốc nội khác nhau giữa từng quốc gia.