Người Hoa có truyền thống giúp đỡ đồng hương với nhau, mà giúp một cách rất tận tình, theo kiểu, đã giúp là giúp cho thật tốt, cho nên hay lập ra các hội quán, trước để làm nơi tâm linh, thờ cúng các tín ngưỡng của dân tộc mình, sau là để làm nơi gặp gỡ, giao lưu, giúp đỡ đồng hương với nhau.
Đó là lý do khu phố người Hoa (Chợ Lớn, quận 5) tại Sài Gòn thường có các hội quán này nọ, với hoạt động tương tự như chùa chiền, miếu mão.
Ban đầu, chùa có tên là hội quán Ôn Lăng, được lập ra vào năm 1740 để thờ Thiên Hậu Thánh mẫu và nhiều vị thần theo tín ngưỡng dân gian của dân tộc Hoa. Sau này, hội quán thờ thêm Quan Âm Bồ Tát nên còn được gọi là chùa Quan Âm.
Cái tên “Ôn Lăng” là một địa danh của phủ Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc xưa. Tương truyền, vào cuối thế kỷ XVII, một số người Hoa thuộc phủ Tuyền Châu đã di cư sang Việt Nam và định cư tại vùng Chợ Lớn ngày nay. Sau đó, họ đã lập ra hội quán Ôn Lăng.
Chùa Ôn Lăng rất rộng và được chia thành nhiều khu vực, nhiều gian thờ thờ nhiều nhân vật tâm linh – lịch sử theo văn hóa Trung Hoa, như: Thiên Hậu Thánh mẫu, ông Bổn (ông Địa), Bà chúa Thai Sinh, Quan Âm, Quan Công, Bao Công, Thành Hoàng, Phật Tổ, các vị La Hán, Tề Thiên Đại Thánh…
Nguyễn Thị Bình An
Nguồn: https://anvietnam.net/2016/07/16/chua-on-lang-300-tuoi-o-quan-5/