Chùa Hưng Thiện di tích lịch sử văn hóa tâm linh ở Bạc Liêu

0 Shares

Anh hùng Liệt sỹ Danh lưu sử;

Tổ quốc Ghi công Đức sáng ngời.

Hiện chùa Hưng Thiện thuộc ấp Phú Tòng, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Từ thành phố Bạc Liêu trên đường cách mạng Phường 1 đến xã Hưng Hội đến Cống ấp Nước mặn xe dừng lại, nhìn phía trái có bảng chỉ dẫn vào Hưng Thiền Tự khoảng hơn 2km.

Chùa Hưng Thiện thành lập vào năm Đinh Hợi (1887) do Đại Hương cả Trần Công Muôn (Cả Muôn, người ấp Bưng Xúc) kiến tạo. Khởi đầu ngôi chùa xây dựng bằng gỗ lợp mái ngói, vách ván gỗ, gồm Chính điện, Tổ điện, Trai đường, Tịnh trù (nhà bếp), kiến trúc đặc trưng Nam bộ. Khi ngôi Hưng Thiền Tự hoàn thiện, năm Canh Dần (1890) Đại Hương cả Trần Công Muôn và dân làng địa phương thỉnh Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm, thế danh Ngô Thị Chức về trụ trì, Đại Hương Cả Muôn còn hiến thêm 01 hét ruộng (mười công đất) để hương hỏa cho chùa.

Tuy trình độ học Phật pháp giới hạn nhưng với đức độ tu hành, đạo hạnh của Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm đã thu phục được một số người dân địa phương trở thành Phật giáo đồ, và tiếp độ hai thiện tín xuất gia làm đệ tử; Diệu Mẫn, Thiện Tĩnh. 

Hóa duyên ký tất, ta bà quả mãn, Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm an nhiên thị tịch vào năm Tân Dậu (1921), trụ thế 85 xuân.

Kế nghiệp trụ trì, hoằng dương chính pháp, hai vị Thiện Tĩnh và Diệu Mẫn, thuận thế vô thường lần lượt đến năm Mậu Thìn (1928) các vị thay nhau dõi bước theo Ni trưởng Thích Nữ Diệu Tâm trực vãng tây quy.

Hưng Thiện chùa nay vắng bóng thầy,

Tưởng chừng cửa khép kể từ đây,

Tiếng chuông tiếng mõ không lời tụng;

Trăng sáng còn khi lúc vơi đầy.

Năm Đinh Dậu (1934), cụ Trần Văn Si trong Ban hộ tự và bổn đạo phật tử địa phương cung thỉnh Đại đức Thích Thiện Chơn từ chùa Thanh Phước, Xa Mau, Phú Lộc về trụ trì Hưng Thiện Tự.

Đại đức Thích Thiện Chơn tục danh Lê Hồng Hạnh, pháp danh Hồng Hạnh, sinh năm Giáp Thìn (1904) tại làng Vĩnh Trạch, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, vốn sinh trưởng trong một gia đình nông dân hiền hòa theo truyền thống Phật giáo. Năm 14 tuổi Ngài được học chữ và Đông y Nam dược với Hòa thượng Thích Hoằng Nghĩa, chùa Long Phước, Long Điền, Giá Rai. Năm 19 tuổi, Ngài được Hòa thượng Phổ Huệ đưa về chùa Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, làm lễ thế phát xuất gia và ban cho pháp danh Thiện Chơn.

Năm Canh Ngọ (1930), Đại đức Thích Thiện Chơn theo học nhạc lễ Phật giáo với Thiền sư Nguyệt Chiếu (1882-1947) tại chùa Vĩnh Đức, Bạc Liêu. 

Năm Nhâm Thân (1932) Thiền sư Nguyệt Chiếu giới thiệu Đại đức Thích Thiện Chơn về trụ trì chùa Xa Mau, huyện Phú Lộc. 

Năm Ất Hợi (1935) bổn đạo phật tử địa phương làng Hưng Hội cung thỉnh Đại đức Thích Thiện Chơn về trụ trì Hưng Thiện Tự.

Sau khi đó đây tu học Phật pháp, được các vị tiền bối tin tưởng và bổ nhiệm trụ trì các ngôi tự viện, tiếp nối sự nghiệp truyền trì mạng mạch Đạo pháp – Dân tộc, Đại đức Thích Thiện Chơn đã trưởng thành trong việc hoằng pháp và phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, khi về đảm nhiệm trụ trì Hưng Thiền Tự, Ngài thể hiện tâm nguyện từ bi cứu thế qua các phật sự: Mở phòng thuốc Đông y Nam dược, khám chữa bệnh cho nhân dân quanh vùng, mở lớp dạy văn hóa cho con em trong làng, thường xuyên phát gạo và nhu yếu phẩm cho đồng bào nghèo khó, những hành động thiết thực trong sự gắn bó với dân làng, Ngài được sự kính mến của dân địa phương. Đại giới đàn tại Vĩnh Hòa Tự do lão Hòa thượng Thích Huệ Viên tổ chức, Ngài được cung thỉnh đương vi tôn chứng A xà lê. Sau đó, Ngài được cung thỉnh vào các đại giới đàn và được bổn đạo phật tử thường gọi Ngài là Yết ma Hồng Hạnh.

Năm Canh Thìn (1940), cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, Chính quyền thực dân Pháp ở Bạc Liêu thẳng tay đàn áp, bắt bớ tra tấn dã man, tù đày những người yêu nước. Trong một lần chữa bệnh cho một cán bộ cách mạng, Ngài nhận ra ông Chín Đờn (Nguyễn Văn Đờn), một đạo hữu cùng chung lớp học nhạc lễ Phật giáo với Thiền sư Nguyệt Chiếu ở chùa Vĩnh Đức và từ đó Ngài tham gia vào tổ chức cách mạng với người bạn tri âm.

Nhiệm vụ được tổ chức giao, Ngài với thân phận là vị Đông y sĩ, vị Tăng sĩ Phật giáo, nắm tình hình hoạt động của chính quyền thực dân Pháp thông tin cho tổ chức cách mạng. Ngài sử dụng Hưng Thiện Tự làm cơ sở nhận tin và phát tin. Công tác hoạt động của Ngài được tổ chức tin cậy, đến khi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản địa phương Sóc Đồn năm 1945, bà Ngô Thị Năm chọn Hưng Thiền Tự là cơ sở an toàn để hoạt động và chuẩn bị lực lượng hưởng ứng cuộc tổng khởi nghĩa ngày 23/08/1945 (16/07/Ất Dậu) ở thành Bạc Liêu.

Tháng 01 năm 1946 (08/12/Ất Dậu), giặc Pháp đánh chiếm lại Bạc Liêu, Chính quyền Việt Minh phải rút vào chiến khu chống giặc ngoại xâm. Trong lúc làm nhiệm vụ trên đường công tác, Yết Ma Hồng Hạnh bị bọn giặc phục kích bắn tử vong. Đồng bào phật tử âm thầm cung thỉnh nhục thân Ngài về Hưng Thiện Tự làm lễ Truy điệu và an táng trong khi nền chùa còn khói lửa đao binh, bởi bị bọn giặc phóng hỏa đốt phá tan hoang.

Giặc đốt chùa máu rơi đất Phật,

Muốn diệt nguồn văn hóa tâm linh,

Quyết tâm bảo vệ giữ gìn;

Yết Ma Hồng Hạnh quên mình vì dân.

Sau khi Yết Ma Hồng Hạnh vị quốc vong thân, đệ tử của Ngài là Đại đức Thích Thiện Tấn kế thế đảm nhiệm trụ trì Hưng Thiện Tự.

Đại đức Thích Thiện Tấn tục danh Trần Văn Thu, sinh năm Canh Tuất (1910), tại làng Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Vốn sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo chân chất, song thân là phật tử thuần thành, quy y Tam Bảo tại Hưng Thiện Tự. Sau khi, Yết Ma Hồng Hạnh về trụ trì Hưng Thiện Tự, Ngài thu nhận thiện nam Trần Văn Thu làm đệ tử và cho làm đệ tử xuất gia, ban pháp danh Thiện Tấn, nhưng phật tử bổn tự vẫn quen gọi là Sư huynh Thu. Với bản chất hiền lành, chất phác nhưng rất sáng dạ, được thầy Bổn sư (Yết Ma Hồng Hạnh) truyền dạy giáo lý Phật Đà và Đông y Nam dược, giáo dưỡng lòng yêu nước và trong tứ ân phải đặt ân Tổ quốc trên hết khi san hà nguy biến, tổ quốc lâm nguy.

Đại đức trụ trì Đại đức Thích Thiện Tấn (Sư huynh Thu) hy sinh cơ sở tạm thời dời điểm để tránh sự theo dõi của giặc, nhưng đường dây liên lạc, Sư huynh Thu vẫn bí mật hoạt động. Sau khi trùng tu lại ngôi Hưng Thiền Tự bằng cây lá, để có nơi cho bổn đạo phật tử địa phương tiếp tục sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh. Sư huynh Thu được tổ chức giao nhiệm vụ công tác nội thành truyền tin từ Chi bộ đến cấp trên và các lực lượng vũ trang.

Công tác của Sư huynh Thu không ngừng nhất là sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng ra đời, chốt liên lạc của Đại đức Thích Thiện Tấn (Sư huynh Thu) trụ trì Hưng Thiện Tự góp phần thắng lợi cho những trận công kích của các lực lượng vũ trang từ du kích xã đến đơn vị chủ lực như Phú Lợi, Đinh Tiên Hoàng hoạt động vùng Vĩnh Châu, Vĩnh Lợi. Đáng kể thêm là công tác vận động nhân dân đồng bào phật tử tham gia các cuộc biểu tình chống Chính quyền Độc tài Ngô Đình Diệm khủng bố, bắn phá nông thôn, di dân quy khu lập ấp. 

Tháng 08/1962 (07/Nhâm Dần) trong lần công tác lên huyện, Sư huynh Thu bị giặc phục kích bắt được, chúng khảo tra hơn một thán từ đồn Nàng Rền đến khám lớn Bạc Liêu, chịu đựng biết bao nỗi tủi nhục hình bởi sự tra tấn dã man, nhưng Sư huynh Thu vẫn ngậm miệng niệm Nam mô Đại từ Đại bi Cứu khổ cứu nạn Quốc gia Dân tộc… Bọn giặc đem Sư huynh Thu đến đồn Long Thạnh, Cầu Sập, Bạc Liêu hành hình. Đại đức Thích Thiện Tấn (Sư huynh Thu) đã anh dũng hy sinh ngày 23/08/1962 (24/07/Nhâm Dần). Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngài được nhà nước phong tặng anh hùng liệt sĩ.

Phú Tòng Hưng Thiện nhớ huynh Thu,

Giặc bắt khảo tra bốn ải tù,

Không một lời khai cơ sở Đảng;

Trọn đời vẹn đạo tiếng nghìn thu.

Sau khi Đại đức Thích Thiện Tấn (Sư huynh Thu) đã anh dũng hy sinh, tình hình lúc bấy giờ vùng Ông Nam, Thị Yểu, Bưng Két xã Hưng Hội là bãi chiến trường ác liệt, bom đạn băn phá đêm ngày, do vậy các vị công quả tại Hưng Thiện Tự như Thiện Kim, Đạo Sáu, Huệ Ân, Diệu Thọ lần lượt rời khỏi chùa để lánh nạn.

Năm Ất Tỵ (1965), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bạc Liêu tổ chức Ban Đại diện PGVNTN xã Hưng Hội trụ sở đặt tại Hưng Thiện Tự, Ban Đại diện nồng cốt gồm các vị Thiện nam Phật tử Tám Xuân, Chín Thanh, Hai Miên, Ba Lợi, Bảy Lũy . . . Hưng Thiện Tự thường tổ chức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng Phật giáo trong mỗi tháng rằm, ba mươi, các ngày lễ vía chư Phật, Bồ tát, tam nguyên (Thượng nguyên, Rằm tháng Giêng, Trung nguyên, Rằm tháng Bảy, Hạ nguyên, Rằm tháng Mười) theo truyền thống tín ngưỡng nhân gian và đạo Phật. Đặc biệt, bổn tự Hưng Thiền được Mặt trận Dân tộc Giải phóng huyện Vĩnh Lợi đặt là Cơ sở Liên lạc với các Tổ công tác thành.

Năm Nhâm Tý (1972), theo yêu cầu của Ban Đại diện PGVNTN địa phương bổ nhiệm Đại đức Thích Quảng Thuận đảm trách trụ trì Hưng Thiện Tự.

Đại đức Thích Quảng Thuận, tục danh Bùi Văn Bốn, sinh năm Ất Dậu (1945), nguyên quán huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Song thân đều là những vị Phật tử thuần thành theo truyền thống Phật giáo lâu đời. 

Năm Bính Ngọ (1966), chàng thanh niên phật tử Bùi Văn Bốn tham gia Cách mạng, nhập ngũ Bộ đội chiến đấu nhiều chiến trường tỉnh Bến Tre. 

Năm Tân Dậu (1969), Phật tử Bùi Văn Bốn bị trọng thương, đơn vị cho chuyển vùng để điều trị bệnh, được người cậu là lão Hòa thượng Thích Hiển Giác (?-1992) cưu mang đem về chùa Vĩnh Đức, Bạc Liêu để dưỡng bệnh, sau khi lành mạnh, được lão Hòa thượng Thích Hiển Giác cạo tóc cho xuất gia và ban pháp danh Quảng Thuận.

Năm Nhâm Tý (1972), sau khi thụ Tam đàn Cụ túc giới tại Đại giới đàn Khánh Thông, Tổ đình Bửu Sơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tân Tỳ Kheo Thích Quảng Thuận được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bạc Liêu bổ nhiệm trụ trì Hưng Thiện Tự.

Khi về đảm nhiệm trụ trì Hưng Thiện Tự, Đại đức Thích Quảng Thuận hợp sức cùng Ban Đại diện Phật giáo địa phương tiếp tục xây dựng ngôi Chính điện Hưng Thiện Tự và tổ chức lớp học bình dân cho con em trong vùng. Với tư cách trụ trì và cũng là thành viên Giáo hội, Đại đức Thích Quảng Thuận thường đấu tranh với Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xã Hưng Hội và quận Vĩnh Lợi, phản đối việc ruồng bố vào nông thôn và bắt thanh niên đi lính. 

Đặc biệt, sự kiện năm Quý Sửu (1973), Hưng Thiện Tự gây được tiếng vang còn đọng lại cho đến hôm nay là cuộc lễ cung nghinh tôn tượng phật từ tỉnh hội PG Bạc Liêu về Hưng Thiện Tự. Ban tổ chức yêu cầu hai bên đình chiến 04 giờ để cử hành lễ cung nghinh tôn tượng Phật.

Năm Ất Mão (1975), miền Nam hoàn toàn giải phóng, tổ quốc thống nhất Bắc Nam sum họp một nhà, Đại đức Thích Quảng Thuận xin Giáo hội cho phép hoàn tục với đời sống hòa quang đồng trần cùng các đồng đội cựu chiến binh, ôn lại chiến trường xưa.

Năm Bính Thìn (1976), do yêu cầu của Ban đại diện Phật giáo, tỉnh hội cử Sư cô Thích Nữ Diệu Kiến đệ tử của Ni sư Thích Nữ Diệu Hữu chùa Bạch Liên, Bạc Liêu về trụ trì Hưng Thiện Tự. Với đạo hạnh trang nghiêm, Sư cô Thích Nữ Diệu Kiến được bổn đạo Phật tử quý mến, nhưng luật vô thường không lường trước, Sư cô Thích nữ Diệu Kiến lâm trọng bệnh và thuận thế vô thường an nhiên viên tịch vào ngày 30 tháng 03 năm Nhâm Tuất (23/04/1982). Từ đây, Hưng Thiện Tự vắng bóng trụ trì.

Năm Giáp Tý (1984), đáp lời thỉnh cầu của bổn đạo phật tử địa phương, Hòa thượng Thích Hiển Giác, Trưởng BTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Minh Hải bổ nhiệm hai vị Thích Nữ Huệ Lạc và Thích Nữ Huệ Thường trụ trì Hưng Thiện Tự và làm lễ nhập tự vào ngày 29 tháng 05 năm Giáp Tý (27/06/1984).

Sư cô Thích Nữ Huệ Lạc, thế danh Cao Thị Điệp, Sư cô Thích Nữ Huệ Thường, thế danh Đinh Thị Nhơn cùng nguyên quán xã Tân Lược, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Trên bước đường tu học, hai vị Ni cô đến Minh Hải và kết duyên Bồ đề quyến thuộc Phật pháp với người dân huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, được Hòa thượng Thích Hiển Giác hợp pháp hóa vào Ni bộ Phật giáo tỉnh Minh Hải và Bổ nhiệm trụ trì Hưng Thiện Tự dưới sự bảo trợ của Ni trưởng Thích nữ Hải Thọ chùa Long Quang Hưng Hội.

Hưng Thiện Tự phát triển thành khu Di tích lịch sử văn hóa tâm linh huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.

Nhị vị Ni sư Thích Nữ Huệ Lạc, Thích Nữ Huệ Thường đảm nhiệm trụ trì Hưng Thiện Tự, buổi đầu chịu gian khó với mảnh vườn thửa ruộng, bao năm tay lấn chân bùn, đồng lao khổ với dân làng địa phương. Cảnh sống chân phương của một ngôi cổ tự miền quê sông nước hữu tình, đồng ruộng xanh tươi bát ngát hương lúa, nhờ công năng tu hành tinh tấn, đạo hạnh trang nghiêm, từng bước Hưng Thiện Tự “Mỗi ngày thêm đổi mới”.

Năm Canh Thìn (2000) ngôi Hưng Thiện Tự khá khang trang, tái hiện dáng vẻ ngôi cổ tự bách niên, vùng giang thủy nông thôn Nam bộ.

Tháng 08 năm Đinh Hợi (09/2007), với quyết tâm phát triển ngôi Hưng Thiện cổ tự, nhị vị Ni sư Thích nữ Huệ Lạc, Thích Nữ Huệ Thường nêu ý tưởng với Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Bạc Liêu xây dựng Thánh tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm trong khuôn viên Hưng Thiện cổ tự. Được sự hỗ trợ của Ban Văn hóa tỉnh hội PG Bạc Liêu, Hưng Thiện cổ tự gửi tờ trình lên UBND tỉnh có công văn số 1095/UBND-TH chủ trương cho Hưng Thiền cổ tự thiết kế đồ án xây dựng tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm.

Sau 05 năm thi công xây dựng, tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm tại Hưng Thiện cổ tự đã hoàn thành với chiều cao 43 mét uy nghi trên Liên Hoa đài 3.000 mét vuông, cùng với hàng chục hạng mục công trình hóa thân Bồ tát Quán Thế Âm trải đều trên diện tích 8.000 mét vuông chung quanh ngôi Hưng Thiện cổ tự, tạo thành một quần thể kiến trúc lịch sử văn hóa tâm linh Phật giáo, góp phần kích cầu du lịch sinh thái tâm linh, phát triển kinh tế xã hội vùng đất Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.

Báo đáp công ơn người sáng lập,

Hưng Thiện Tự xây Thánh tượng linh, 

Rạng rỡ danh thơm người nằm xuống;

Bao nhiêu gian khó bấy nhiêu tình.

Lê Văn Phước biên tập

Nguồn: Lịch sử PG Bạc Liêu 

Tham khảo video: https://www.youtube.com/watch?v=FrSZxMyJ7U0