Trang chủ Tâm Linh Chùa Việt Chùa cổ Dậu Trì (Ninh Giang) lưu giữ nhiều hiện vật giá trị
Chùa Việt

Chùa cổ Dậu Trì (Ninh Giang) lưu giữ nhiều hiện vật giá trị

Chia sẻ
Chùa cổ Dậu Trì (Ninh Giang) lưu giữ nhiều hiện vật giá trị
Chia sẻ

Chùa Dậu Trì toạ lạc tại đầu thôn trên một khu đất khá bằng phẳng có diện tích 424m2, quy mô tuy không lớn nhưng đồng bộ, mang dấu ấn kiến trúc truyền thống. Chùa thờ Phật theo thiền phái Đại thừa.

Hiện nay, chùa có kiến trúc kiểu tiền Nhất, hậu Đinh gồm ba toà: tiền đường, trung đường và thượng điện. Mặt tiền quay về hướng tây – nam với ý nghĩa các Đức Phật và Bồ Tát ngồi quay hướng nam để nghe lời kêu cứu của chúng sinh trong kiếp đời tục luỵ, đặng dùng pháp lực vô lượng vô biên qua tứ đại vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả) mà cứu vớt. Đồng thời hướng nam cũng là phương của bát nhã, tức trí tuệ.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954), chùa là nơi Toà án Nhân dân huyện Ninh Giang về sơ tán, là địa điểm tập kết của dân quân du kích địa phương và lực lượng vũ trang huyện Ninh Giang đánh bốt Hiệp Lễ, Quận Vé, Cầu Ràm…

Đặc biệt, vào năm 1952, Trung đoàn 42 của tỉnh Hải Dương sau khi đánh độn thổ (đánh từ dưới đất lên) đường 17 (nay là quốc lộ 37) đi qua địa phận chùa Dậu Trì để rút sang xã Ninh Hải thì bị quân Pháp phát hiện. Chúng đã nã đạn pháo hòng tiêu diệt. Trong trận đánh này, một quả pháo đã bắn trúng tường hồi phải toà tiền đường, gây thủng một mảng lớn. Quân giặc bắt 22 người trong thôn Dậu Trì do nghi là cộng sản và tổ chức xét hỏi tại chùa, sau đó đưa ra Đoạn Xá (Hải Phòng) rồi đày ra Côn Đảo.

Kháng chiến chống Mỹ, chùa Dậu Trì là địa điểm sơ tán máy móc thiết bị của Nhà máy xay Ninh Giang. Số máy móc thiết bị này đến năm 1976 mới chuyển đi.

Từ ngày hoà bình đến nay, chùa được nhân dân địa phương trông coi, bảo vệ chu đáo, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh.

Hệ thống tượng và đồ thờ tại di tích sơn son thếp vàng, phần lớn là các pho tượng cổ có giá trị tạo hình tinh tế, thể hiện tính thẩm mỹ, kỹ thuật cao, mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX) được bài trí hài hoà ở toà thượng điện và trung đường.

Ngoài hệ thống tượng Phật, chùa còn có một số di vật, cổ vật khác như đại tự, bia ký góp phần làm giàu cổ vật tại di tích, trong đó đặc biệt phải kể đến tấm bia Quang Diệu (Quang Diệu tự bi – Tín thí). Bia hình dẹt, đỉnh vòm, chất liệu bằng đá xanh, cao 93,5cm, rộng 60 cm, dầy 14 cm, khoảng 800 chữ Hán còn khá rõ nét, dựng trên lưng rùa dài 110 cm. Bia gồm 2 mặt, mặt 1 trán chạm lưỡng long chầu nguyệt kéo đao hoả vân xoắn; mặt 2 trán chạm mặt nguyệt đao hoả, hai bên hoa cúc, diềm xung quanh chạm hoa dây xoắn cách điệu.

Nội dung văn bia cho biết: Chùa Dậu Trì xưa là một danh lam thắng tích. Trải qua thời gian vật đổi sao dời, phong ba bão táp, mưa gió dập vùi nên ngôi chùa đã bị hủy hoại, nhưng nhân dân vẫn còn tôn kính. Một hôm, Hoàng Thái hậu cưỡi xe loan tự mình đi thắp hương cầu tự. Nhờ sự cầu nguyện mà ngọc thể khang cường, những điều cầu nguyện đều được ứng hợp. Hoàng Thái hậu liền lệnh cho Thái Vương phi Mạc Thị Ngọc Thanh nhất tâm cầu nguyện, tỏ lòng tôn kính, gia ân tạo thêm phúc đức. Bà bỏ một trăm lạng vàng để chi phí cho việc xây dựng chùa. Lại tuyên truyền cho các thiện sĩ như Vũ Phúc Ninh, Nguyễn Phúc Thọ, Vũ Phúc Thành, Nguyễn Tam Tích (Tứ) cùng già trẻ trong thôn tham gia xây dựng thượng điện, tiền đường, đúc lư hương… Đến năm Nhâm Ngọ (1582) thì chùa hoàn thành. Chùa dựng lên nguy nga, tráng lệ, quy mô hợp với chế độ đương thời. Nhiều thiện sĩ đã dùng văn chương ca ngợi cảnh đẹp ngôi chùa và lưu truyền cho hậu thế.

Chùa có tên gọi Quang Diệu nghĩa là tỏa ánh sáng rực rỡ như ánh mặt trời, tạo việc đại nghĩa, làm điều thiện giáng phúc cho mọi người. Đạo Phật không chỉ thấm sâu trong tư tưởng mỗi người mà còn lưu truyền cho con cháu đời sau. Sự ứng hợp của trời đất cùng công lao của Phật vẫn còn sáng tỏ đến muôn đời, được nhân dân khắc ghi bia đá để lưu truyền cho hậu thế. Ngoài ra, bia còn ghi tên những người công đức cùng số ruộng tế tự tại các xứ đồng…

Tấm bia Quang Diệu tự bi – Tín thí tại chùa Dậu Trì không chỉ là nguồn tư liệu quý trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử di tích, quá trình trùng tu tôn tạo di tích; tìm hiểu về trình độ, nghệ thuật điêu khắc đá ở thế kỷ XVI mà còn góp phần tìm lại một tập tục đẹp của nền văn hoá trong quá khứ. Qua đó tưởng nhớ tôn vinh những nhân vật có đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng làng xã. Hiện nay, tấm bia này đã được nhân dân địa phương gìn giữ bằng việc xây dựng nhà bia bảo vệ.

Bài viết cùng chuyên mục
Ban Văn hoá Phật giáo Sen Vàng tổ chức hành hương thập tự đầu năm 2022 tại thành phố Đà Lạt
Chùa Việt

Ban Văn hoá Phật giáo Sen Vàng tổ chức hành hương thập tự đầu năm 2022 tại thành phố Đà Lạt

Chương trình được tổ chức dưới sự chứng minh của Đại đức...

Chùa Wat Pho: Nơi chứa đựng bộ sưu tập tượng Phật lớn nhất tại Thái Lan
Chùa Việt

Chùa Wat Pho: Nơi chứa đựng bộ sưu tập tượng Phật lớn nhất tại Thái Lan

Chùa Wat Pho: Nơi chứa đựng bộ sưu tập tượng Phật lớn...

Chùa Trầm Hương
Chùa Việt

Chùa Trầm Hương

Bấy giờ làm nhang bằng tay, phải tốn nhiều thời gian mới...

Giai thoại chùa Phật Nhỏ
Chùa Việt

Giai thoại chùa Phật Nhỏ

Ngôi chùa gặp nhiều lận đận Thất Bửu Tự do Hòa thượng...

Ngày xuân vãn cảnh những ngôi chùa ở miền biên cương
Chùa Việt

Ngày xuân vãn cảnh những ngôi chùa ở miền biên cương

Chùa Tân Thanh, Lạng  Sơn Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa Có...

Thăm ngôi chùa cổ, nơi in dấu ấn của cụ Đồ Chiểu
Chùa Việt

Thăm ngôi chùa cổ, nơi in dấu ấn của cụ Đồ Chiểu

Tấm bia đứng sừng sững ờ một góc sân chùa. Dòng chữ...

Sóc Trăng: Chùa Bôtumvongsa Somrông khánh thành ngôi Sala
Chùa Việt

Sóc Trăng: Chùa Bôtumvongsa Somrông khánh thành ngôi Sala

Sau hơn 03 năm (năm 2013) khởi công xây dựng bằng bê...

Đầu xuân vãn cảnh chùa Bích Động, Ninh Bình
Chùa Việt

Đầu xuân vãn cảnh chùa Bích Động, Ninh Bình

Chùa Bích Động tên khai nguyên là Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng,...