Site icon Sao Tử Vi

Mối quan hệ giữa tổ chức với nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra bộ

Mối quan hệ giữa tổ chức và hoạt động của Thanh tra bộ với nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra bộ.

Tổ chức và hoạt động của một tổ chức, đơn vị hành chính gắn với nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đó. Tổ chức xác lập địa vị pháp lý của các tổ chức, cá nhân thành viên cấu thành để xác định việc phân công nhiệm vụ của các cấu thành lên tổ chức đó. Từ quyền hạn mà tổ chức đã được xác lập sẽ xác định các công việc cần làm và phải hoàn thành dựa trên quyền hành được giao phó. Do đó, tổ chức gắn với nhiệm vụ của nó cũng như từ nhiệm vụ xác định tổ chức đó được cấu thành và hoạt động khi quyền hạn được quy định trong phạm vi cụ thể. Để làm rõ hơn mối quan hệ giữa tổ chức và hoạt động với nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra bộ, cần làm rõ các mối quan hệ độc lập với nhau để rõ hơn tổng thể sự gắn kết giữa chúng.

1. Mối quan hệ giữa tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra bộ:

Thanh tra bộ được tổ chức theo nhiệm vụ được giao được quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 xác lập địa vị pháp lý và các công việc cụ thể Thanh tra bộ phải thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thanh tra bộ cũng giống như các tổ chức của cơ quan nhà nước khác là nhiệm vụ của cơ quan nhà nước xác định các công việc trong tổ chức, việc sắp xếp các phòng, ban và nhân sự của tổ chức. Thanh tra bộ về địa vị pháp lý được quy định tại Luật Thanh tra các nghị định của Chính phủ về cơ cấu, tổ chức của cơ quan Bộ và các nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng Bộ, ngành. Một hay nhiều nhiệm vụ được giao sẽ được nhóm lại thành cơ cấu chức năng, nhiệm vụ của từng phòng của Thanh tra bộ. Nhiệm vụ giao cho Thanh tra bộ không phải ít nhưng cũng thể tổ chức mỗi nhiệm vụ là một phòng ban được mà nhóm lại trên cơ sở phòng ban đó sẽ chịu trách nhiệm theo nhóm công việc, việc phân công các nhiệm vụ lại sẽ giao cho cá nhân là công chức của Thanh tra bộ theo dõi, thực hiện và tổng hợp lại công việc thường kỳ để đánh giá hiệu quả nhiệm vụ được giao cho Thanh tra bộ. Yếu tố tổ chức gắn với yếu tố con người vì nhiệm vụ Thanh tra bộ thực hiện phải được giao cho người đúng chuyên môn, nghiệp vụ hoặc người có khả năng thích ứng cao với công việc. Việc phân công nhiệm vụ giao cho người không đúng chuyên môn hay phân bố công việc không đều giữa các công chức trong đơn vị với nhau dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức chung của đơn vị và mối quan hệ công việc với nhau giữa các thành viên đó trong đơn vị. Do vậy, việc xác định nhiệm vụ của Thanh tra bộ phải tính toán, phân bổ hợp lý cho các phòng chuyên môn, giao đúng người đúng việc sẽ tăng hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Việc đánh giá đúng nhiệm vụ và tổ chức thực hiện nhiệm vụ sẽ góp phần đánh giá hiệu quả công tác tổ chức bộ máy và đổi mới bộ máy nếu thật sự cần thiết. Thanh tra bộ khác với đơn vị hành chính khác về các tổ chức của Thanh tra bộ không quản lý lĩnh vực. Các đơn vị hành chính khác của Bộ thường quản lý một lĩnh vực cụ thể, có thẩm quyền với các lĩnh vực đó theo pháp luật chuyên ngành. Các tổ chức chuyên môn của Thanh tra bộ được thiết lập chủ yếu theo quy định của pháp luật về thanh tra, giúp Bộ trưởng thực hiện các nhiệm vụ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN. Thanh tra Bộ không trực tiếp quản lý lĩnh vực nào mà theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ để tiến hành công tác thanh tra.

Quyền hạn của Thanh tra bộ gắn bó chặt chẽ với tổ chức của Thanh tra bộ. Tổ chức của BMNN và đơn vị cấu thành đều mang tính quyền lực nhà nước, điều này khác biệt với các đơn vị sự nghiệp công lập hay các doanh nghiệp nhà nước ở yếu tố tác động đến xã hội. Các đơn vị sự nghiệp công lập như các trường công lập, các viện nghiên cứu do Nhà nước thành lập chỉ có quyền hạn trong phạm vi hẹp, tác động đến một hay nhóm nhỏ đối tượng liên quan và đặc biệt không mang tính cưỡng chế trên phương diện pháp lý, các doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ hoạt động kinh doanh và chủ yếu hoạt động liên quan đến lĩnh vực luật tư nhiều hơn pháp luật công. Cơ quan nhà nước và đặc biệt là cơ quan HCNN với chức năng QLNN có quyền hạn và phạm vi ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, cá nhân cụ thể thông qua pháp luật. Thanh tra bộ với đầy đủ tính chất của cơ quan HCNN được cơ quan nhà nước cấp trên là Bộ, nằm trong bộ máy HCNN, quyền hạn là yếu tố bắt buộc để Thanh tra bộ tồn tại và duy trì quyền lực trong phạm vi cho phép để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quyền hạn của Thanh tra bộ cũng được phân công theo nhiệm vụ và từng bộ phận cấu thành Thanh tra bộ. Mối quan hệ giữa quyền hạn với tổ chức của Thanh tra bộ còn thể hiện ở cấu thành tổ chức của Thanh tra bộ được xác lập dựa trên địa vị pháp lý, được thành lập theo trình tự, thủ tục của pháp luật với chế độ làm việc thủ trưởng đứng đầu, chịu trách nhiệm trực tiếp. Quyền hạn không giao trực tiếp theo văn bản hiến định mà được quy định từ luật đến các nghị định của Chính phủ, từng văn bản quy định về tổ chức cấp trên được phân bổ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị cấp dưới theo trình tự, thủ tục của pháp luật. Việc thành lập tổ chức gắn với giao chức trách, quyền hạn tương xứng. Một yếu tố thể hiện tính chất HCNN đó là chế độ làm việc thủ trưởng được quy định cụ thể trong Luật Thanh tra với nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của đơn vị. Khác với chế độ làm việc tập thể khi mọi quyết định dựa trên tập thể, chế độ thủ trưởng thể hiện sự độc lập về tổ chức cùng quyền hành đi kèm của Chánh Thanh tra bộ, các Phó Chánh Thanh tra bộ và trưởng, phó các phòng chuyên môn được coi là người giúp việc cho Chánh Thanh tra bộ, quyền hạn chỉ được giao cho cấp dưới khi có sự ủy quyền của Chánh Thanh tra bộ và quyền hạn cũng như trách nhiệm vẫn thuộc về Chánh Thanh tra bộ. Tổ chức của Thanh tra bộ gắn với quyền hạn của Thanh tra bộ, sự gắn kết này xác lập vị trí của Thanh tra bộ trong hệ thống cơ quan thanh tra, hệ thống bộ máy HCNN và tầm ảnh hưởng của Thanh tra bộ đến xã hội, cá nhân cụ thể thông qua pháp luật.

Công chức lãnh đạo và công chức của Thanh tra bộ không chỉ quản lý công việc theo nhiệm vụ phân công theo tổ chức chuyên môn mà còn có thẩm quyền trong việc tiến hành thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra bộ thành lập có tiêu chuẩn từ Phó Trưởng phòng trở lên hoặc Thanh tra viên chính và tương đương trở lên. Do đó, thẩm quyền của công chức Thanh tra bộ rộng hơn so với các đơn vị hành chính khác.

2. Mối quan hệ giữa hoạt động với nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra bộ:

Các hoạt động của Thanh tra bộ mang tính pháp lý gắn liền với nhiệm vụ của Thanh tra bộ. Thanh tra bộ không thể thực hiện các hoạt động mang tính pháp lý nếu nhiệm vụ được giao không cho phép. Nhiệm vụ của Thanh tra bộ gồm các nhiệm vụ do Luật Thanh tra quy định và thanh tra đối các lĩnh vực bộ, ngành quản lý. Thanh tra bộ không thể tiến hành các hoạt động thanh tra ngoài các nhiệm vụ cho phép và tiến hành các hoạt động thanh tra nếu như không có trong nhiệm vụ được giao. Các hoạt động thanh tra của Thanh tra bộ cũng không thể tiến hành được nếu như không có căn cứ tại văn bản mang ít tính pháp lý hơn là Kế hoạch thanh tra do Bộ trưởng phê duyệt. Thanh tra bộ chỉ được phép tiến hành thanh tra đối với các lĩnh vực, cơ quan đơn vị, địa phương trong kế hoạch thanh tra đề ra trừ các vụ việc đột xuất có sự cho phép của Bộ trưởng hoặc phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật với việc chịu trách nhiệm thực hiện thuộc về Chánh Thanh tra bộ. Hoạt động của đoàn thanh tra của Thanh tra bộ cũng căn cứ trên nhiệm vụ được giao, căn cứ các quy định của pháp luật cho phép đoàn thanh tra thực tiến hành thực hiện cuộc thanh tra đó. Đoàn thanh tra không thể yêu cầu đối tượng thực hiện theo đề nghị của đoàn thanh tra nếu pháp luật không quy định và nhiệm vụ được giao cho đoàn thanh tra. Có thể thấy nhiệm vụ đề ra cho Thanh tra bộ bao gồm các hoạt động của Thanh tra bộ với mục đích duy nhất để hoàn thành các nhiệm vụ được giao và không được phép tiến hành các hoạt động khác nếu nhiệm vụ không yêu cầu. Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra bộ thành lập được phép tiến hành các nghiệp vụ thanh tra, có quyền yêu cầu thủ trưởng các đơn vị hành chính, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành thực hiện các nội dung về yêu cầu báo cáo, giải trình về hoạt động của mình với đoàn thanh tra. Thẩm quyền này không phụ thuộc cấp bậc hành chính mà theo quy định về pháp luật thanh tra.

Các hoạt động của Thanh tra bộ cũng chỉ tiến hành được khi Thanh tra bộ được giao quyền lực nhà nước và thực hiện nó trong giới hạn cho phép. Các quyền hạn của Thanh tra bộ cho phép Chánh Thanh tra bộ đưa ra các hoạt động để tiến hành công việc của mình, các hoạt động của Thanh tra bộ dựa trên quyền hạn của Chánh Thanh tra bộ và pháp luật. Quyền hạn của Chánh Thanh tra bộ, Thanh tra bộ, các đoàn thanh tra, Thanh tra viên, công chức của của Thanh tra đến đâu thì hoạt động cũng đến đó. Các hoạt động của Thanh tra bộ không được phép vượt quá quyền hạn của mình. Trên thực tế, nhiều quy định cho phép Thanh tra bộ được phép tiến hành các hoạt động theo quy định pháp luật nhưng Thanh tra bộ vẫn xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng để được phép tiến hành các hoạt động thanh tra. Các hoạt động của Chánh Thanh tra bộ, Thanh tra bộ chủ yếu là các văn bản mang tính pháp lý như các quyết định hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các kết luận thanh tra đưa ra các kiến nghị xử lý vụ việc. Do đó quyền hạn của Thanh tra bộ rất quan trọng đối với các hoạt động này, điều này thể hiện thẩm quyền của Chánh Thanh tra bộ, Thanh tra bộ. Ngoài ra, Thanh tra bộ còn được phép tiến hành các hoạt động mang ít tính pháp lý hơn như yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc làm việc với Thanh tra bộ để làm rõ vụ việc, đề nghị các cơ quan chuyên môn phối hợp tiến hành hoạt động thanh tra hay quyền trưng tập công chức, chuyên gia trong ngành, lĩnh vực của các tổ chức khác tham gia vào đoàn thanh tra. Các hoạt động ít mang tính pháp lý như hoạt động báo cáo công việc nội bộ, các hoạt động phụ trợ khác như công tác văn thư, công tác kế toán. Tất cả các hoạt động đó đều mang tính chất hành chính với quyền hạn được giao cho Thanh tra bộ được phép thực hiện các công việc trên thông qua nhiều quy định của pháp luật trong hoạt động HCNN. Như vậy, có thể thấy các hoạt động của Chánh Thanh tra, Thanh tra bộ, đoàn thanh tra, Thanh tra viên, công chức của Thanh tra bộ và các hoạt động phụ trợ khác đều chỉ được thực hiện khi được giao cho Thanh tra được có các quyền hạn được phép thực hiện các hoạt động trên.

Exit mobile version