Site icon Sao Tử Vi

Viếng chùa An Thành Linh ở Hòa Bình, Bạc Liêu

Đến thị trấn, vào chợ, qua chiếc cầu “Hòa Bình” bắc ngang kênh đào, xuôi chưa hết dốc đã thấy cổng chùa và dấu hiệu chỉ dẫn “Ấp chùa Phật”.

Sư cô trụ trì Thích nữ Như Huệ bận phật sự, vị ni đang lúi húi lao tác nhiệt tình cho tôi biết những thông tin cần. Trong một không gian rộng chừng 7.000 mét vuông, các khối kiến trúc bề thế chen trong cây lá, vẫn còn đất trống cho một khoảnh vườn nhỏ trồng chuối, hoa kiểng và cây lá xum xuê. Vậy mà, theo lời vị ni, ngày xưa đất chùa rộng hơn nhiều.

Ngày xưa, tương truyền vị mệnh quan triều đình vì thời cuộc vào tận trong này, lập chùa tu học độ chúng, gầy dựng ngôi Tam bảo được cho là xưa nhất của Phật giáo chốn này – huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu ngày nay.

Tôi tần ngần lâu bên cạnh ba ngôi tháp bên hữu không gian thiền: Theo trục thẳng hàng, chính giữa chính tháp của bậc khai sơn tạo tự có văn tự song ngữ Việt – Hán chú giải. Tôi đọc nhanh: Đại lão Hòa thượng thượng Yên hạ Hóa, sinh 1830, tịch 190, dòng Thiền tông Lâm Tế đời thứ 41. Tháp được cho có trùng tu lớn, chồng lên tháp cũ, văn bia khắc trên đá nguyên khối chỉ còn mỗi hoa văn bên trên với hình rồng giao châu, chữ không đọc được. Và đấy chính vật chất xưa của thời đầu thế kỷ XX còn lại.

…Ngôi tháp gần con rạch của vị trụ trì đời sau. 

Ngôi còn lại của vị Ni trưởng thượng Như hạ Giới, vốn đệ tử của An Thành Linh tự, lên Sài Gòn tu học và khi nhập niết bàn được phật tử tổ chức đón về an táng trong ngôi tháp cạnh các bậc tôn túc yên nghỉ.

Trên gác cao của chính điện mới, tượng Phật – theo lời vị ni – của thời sư ông, hãy còn. Chính điện cũ với ngói và gỗ, gạch ở chỗ sân chùa ngày nay, hướng ra con rạch nhỏ chảy xiết ngầu đục phù sa, đã dỡ bỏ, chưa lâu. Cổ vật gắn với ngôi già lam ngày trước mất mát nhiều, kể cả đại hồng chung!

Trong nuối tiếc trước bước đi thời gian, xin xô nước, tôi tỉ mẩn cọ rửa rong rêu trên bia đá ở ngôi tháp vị quan binh triều đình (tương truyền là võ quan cao cấp), vị quan có năm sinh cách ngày Hoàng Đế Gia Long thiết lập vương quyền 28 năm và người ta nói đến An Thành Linh kèm câu “Chùa thời vua Gia Long”.

Rời An Thành Linh, tôi mang theo trong lòng trăn trở của sư cô trụ trì đương nhiệm bộc bạch: một khoảnh đất chùa nhà nước “quản lý” đã lâu, làm trụ sở ấp, trong một khuôn viên liền mạch, nếu được trả lại, vị trụ trì sẽ an lòng với bậc khai sơn tạo tự, lại hợp lòng bà con phật tử ở nơi mang địa danh “mặc định” ẤP CHÙA PHẬT.

Tôi chia sẻ được nỗi niềm này, khi cầm máy ảnh đứng cạnh khoảnh đất ấy.

Mong sao…

Cầu Sập, Bạc Liêu, ngày 28/01/2018

Nguyễn Thành Công 

Exit mobile version