Lần ghé này, tôi không tạt ngang hang ông Hổ hay Thạch đại đao, mà thẳng tiến đến đỉnh núi. Nếu khách phương xa mong chờ vượt đoạn đường xa, “trèo đèo lội suối” lên tận nơi để chiêm ngưỡng một ngôi chùa cổ kính, kiến trúc uy nghi, sừng sững… chắc chắn sẽ thất vọng. Bởi, chùa Sơn Tiên có không gian rất nhỏ, kiến trúc bình thường, đơn giản như bao ngôi chùa khác, được xây dựng vào năm 1933. Chỉ mất khoảng vài phút, du khách đã có thể dạo chơi khắp khuôn viên chùa.
Nếu chỉ có vậy, Sơn Tiên không còn mang tên Sơn Tiên nữa! Những điểm đặc biệt nhất của ngôi chùa nằm vỏn vẹn trong khuôn viên bé xíu. Giữa sân chùa, một tảng đá hoa cương to tại vị một cách lặng lẽ. Thoạt nhìn, tảng đá tuy bề thế, nhưng chẳng đặc biệt hơn những tảng đá nằm rải rác trên đường lên núi. Khách phải leo lên bậc thang, cẩn thận nhìn ngó rồi mới trầm trồ phát hiện: Mặt trên tảng đá in hằn một dấu chân rất rõ, to gần gấp đôi chân người bình thường. Ướm thử bàn chân mình vào, đa số khách bật cười vì độ chênh lệch ấy. Một chút thú vị, cộng với một chút tò mò: Dấu chân ai? Người này truyền miệng người kia, bảo rằng đó là dấu ấn bàn chân tiên trước khi bay về trời. Nhưng lại bị bác bỏ: Chân tiên sao lại to thô như thế? Người khác đưa ra giả thuyết: Chắc là của người xưa… Ừ thôi thì, dấu chân ai hay điều gì tạo nên cũng thế, cũng mang lại thi vị cho người nay!
Trước sân chùa có tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao vài mét, đứng trên tòa sen, khoác áo choàng đỏ, uy nghi, tự tại, bao quát khắp thế gian. Ngay từ dưới chân núi, khách có thể nhìn thấy thật rõ tượng Phật và mái chùa, màu trắng của tượng như hòa vào sắc trắng của mây, khắc sâu vào nền xanh dương của bầu trời và xanh lá của núi. Thị giác lẫn cảm giác sẽ thay đổi rất độc đáo, khi khách từ vị trí của tượng Phật, nhìn xuống dưới thấp. Nhưng tất cả vẫn là an nhiên, tự tại, bình an. Nghe rõ tiếng tim mình đập, nghe gió lùa qua kẽ tay, chân tóc, trong tiếng chuông chùa thanh tao, trầm bổng…