Site icon Sao Tử Vi

Thăm chùa Phật Quang ở Rạch Giá

Thành phố nằm ven bờ vịnh Thái Lan có nhiều tên đường mang tên anh hùng đất Việt thời xa xưa, trong đấy đường Quang Trung là cung phố hẹp, số 83 có một kiến trúc vượt trội, đồ sộ và…lạ: Chùa Phật Quang.

Thực ra thời khai sơn tạo tự chùa không lớn, nho nhỏ và do Hòa thượng Thích Giác Phước quản sóc, hành đạo. Trong khối công trình lớn ngày nay, vẫn giữ được gốc sa la lớn cao vút lọt trong hiên chùa, chính dấu ấn ngày trước.

Ở Rạch Giá, mọi nơi, mà không riêng thế – hành hương Phật Quang, bá tánh có chung suy nghĩ: chùa xây lạ, cứ như… mê cung, chằng chịt lối đi không khác tổ ong khủng, để lên tầng thượng trong tổ hợp 4 tầng có nhiều ngõ, và nối kết những phòng, sảnh, hạng mục chức năng như hội trường, nhà ăn, phòng trà… có những lối nhỏ liên thông.

Leo mướt mồ hôi lên – xuống, có ý nghĩ: Giống ruộng bậc thang ở vùng miền núi phía Bắc. Cá nhân tôi, trong vốn trải nghiệm hành hương tự viện, kiến trúc này chưa có tiền lệ.

Công trình cứ xây dần như lao động của loài kiến: Phần nào xong cứ việc hoạt động bình thường, hành hương lễ bái, tổ chức sự kiện phật sự; phần nào dang dở cứ việc thi công tùy duyên, thành ra… chỗ này giàn giáo cao vút, cát đá ngổn ngang, chỗ kia… khói hương bình thường, cầu thang ván lát sạch bong cứ như…không liên quan gì với nhau!

Chính điện Phật Quang tự oai linh với Đại hồng chung ở sảnh ngoài, gian Tam bảo thanh tịnh, trầm mặc; đạo tràng đêm đêm niệm Phật tụng đọc kinh tạng thanh âm vang đến tận tầng thượng!

Phật Quang có hẳn hai hội trường: Hội trường lớn với sức chứa chừng nghìn người theo một ước lượng, trên cao khu chức năng có hội trường nhỏ thiết kế theo kiểu giảng đường đại học, cao dần, bằng gỗ thông.

Kiến trúc được tạo dựng theo các khối chức năng: Khu hành hương (chính điện), khối văn phòng chùa ở tầng dưới, khối văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, các hội trường và hạng mục phục vụ sự kiện.

Từ chính điện tầng 2 nhìn xuống, Phật Quang tự có nét của Thiền viện Quảng Đức, Q.3 Tp.HCM, khác biệt ở cổng dày và lớn như cổng thành thời cổ. Sau cổng ấy, khoảng không gian đến văn phòng đủ chỗ đậu ô tô rất kín, kiên cố.

Kiến trúc vậy…

Lịch sử ngôi chùa ấy gắn với tên tuổi đạo hạnh Hòa thượng Thích Giác Phước đã nhập Niết bàn, ngày từ cuối thời thuộc Pháp, những năm 1950. Vị trụ trì đương thời, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, vốn xuất gia tu học với Sư ông Giác Phước từ năm 13 tuổi, thế danh Từ Thành Đạt, sinh 1972 – được Hòa thượng chăm lo sự học đến nơi đến chốn ở Đại Tòng Lâm, và du học ngành triết học và quản trị ở nước ngoài. Tư tưởng, học thuật của vị trụ trì phần nào thể hiện qua kiến trúc hiện có của Phật Quang tự, một công trình ẩn mình trong tứ hợp diện kín bưng, mang bên trong chính điện đúng cách truyền thống Phật giáo và cả khối kiến trúc hiện đại được cho là khu phục vụ sự kiện phật sự lớn nhất tỉnh.

Phật Quang ấy hoằng pháp theo cách thông thường cố hữu: nghe pháp tụng niệm hàng ngày ở chính điện và sản xuất các chương trình thuyết pháp ở hội trường lớn bởi một e-kíp kỹ thuật được gọi là Pháp âm Kiên Giang.

Vắn tắt vậy, nếu đủ duyên bạn hãy hành hương chốn ấy, ở số 83 đường Quang Trung, thành phố Rạch Giá, nơi mà chính người dân địa phương cũng chịu thiệt: zô trong đó cứ như…mê cung vậy!

Nguyễn Thành Công

Exit mobile version