Ông Nguyễn Văn Bổn, 81 tuổi, ngụ ấp Tân Quới Tây B, xã Minh Đức cho biết “…ngôi chùa này linh ứng lắm, hồi chiến tranh ác liệt nhưng ngôi chùa hầu như còn nguyên vẹn dưới bom đạn kẻ thù. Đã vậy bọn địch rất “ ngán” càn quét vô chùa vì sợ bị trừng phạt, nhờ vậy có khá nhiều cán bộ cách mạng về đây hoạt động rất an toàn.
Theo nhiều tư liệu còn để lại thể hiện: Chùa Tuyên Linh được xây dựng năm 1861, Năm 1907, nhà sư Lê Khánh Hòa, pháp danh Thích Như Trí, quê ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) về trụ trì tại chùa này. Ông là người sáng lập ra Nam Kỳ Phật học hội và Lưỡng Xuyên Phật học hội quy tụ nhiều cao tăng, cư sĩ Phật giáo ở Nam Kỳ lúc bấy giờ đến đây học tập, sinh hoạt với tôn chỉ đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách độ hộ của ngoại bang. Song song đó, ông là chủ bút tạp chí Từ bi âm, giám đốc cơ quan Phật học Tùng Thư.
Tại chùa Tuyên Linh này, năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã ghé lại và tá túc tại chùa một thời gian. Với sự bảo bọc, giúp đỡ của Hòa thượng trụ trì chùa, cụ Phó bảng đã mở lớp dạy học, xem mạch bốc thuốc cho nhân dân trong vùng. Cạnh đó, ông còn quan hệ, tuyền truyền giáo dục với một số chí sĩ yêu nước sau này là những đảng viên Đảng CSVN đất Bến Tre như: Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát… Hiện nay tại chùa còn lưu giữ bia lưu niệm ghi lại sự kiện cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lưu trú, dạy học, hốt thuốc tại chùa.
Nhiều cư dân cố cựu tại đây còn cho biết thêm “…trong kháng chiến chống Pháp, chùa Tuyên Linh luôn là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, góp phần vào thành công Cách mạng Tháng tám, Nam bộ kháng chiến…”
Có một câu chuyện khá cảm động mà nhiều người nhớ mãi là chuyện khi sắp quy tiên về cõi Phật năm 1947, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã tập hợp đầy đủ các môn đệ dặn dò với nội dung được chép vào di ngôn: tích cực tham gia kháng chiến, tin tưởng vào Chính phủ Cụ Hồ, cùng đồng bào cả nước đấu tranh giành độc lập. Đến nay, di ngôn lịch sử này vẫn là niềm tự hào của người dân xã Minh Đức nói chung, phật tử chùa Tuyên Linh nói riêng.
Bà Lê Thị Chủng, phật tử chùa Tuyên Linh cho biết thêm “…chúng tôi luôn thực hiện theo đúng lời dạy của Hòa thượng trước lúc lâm chung, từ đó sống tốt đời, đẹp đạo, xây dựng quê hương ngày càng văn minh giàu đẹp, gìn giữ bản sắc văn hóa, luôn trân trọng, bảo tồn di tích lịch sử cấp quốc gia này…”
Cũng từ sự có mặt của thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và từ sự giáo dục lòng yêu nước của Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã tác động rất lớn đến phong trào đấu tranh cách mạng xã Minh Đức, góp phần giành nhiều thắng lợi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ cứu nước. Dù bị địch bố ráp, càn quét, khủng bố nhưng hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác 19 tháng 5, người dân xã Minh Đức lại nô nức làm bàn thờ với bình hoa, ảnh Bác, trái cây để tưởng nhớ công ơn của Bác.
Chùa Tuyên Linh còn là nơi hoạt động của các cơ quan đầu não của Huyện ủy Mỏ Cày, Tỉnh ủy Bến Tre trong thời kỳ gian khó nhất. Hiện nay vào ngày 19 tháng 5 hàng năm, tại chùa có rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân như: giao lưu, biểu diễn thể dục dưỡng sinh, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, văn nghệ, thi đấu các trò chơi dân gian, thi nấu cơm chay…
Hôm chúng tôi đến thăm quan, chùa đang được trùng tu, nâng cấp rất khang trang đáp ứng được nguyện vọng của người dân vùng sâu Minh Đức, và là điều kiện thu hút nhiều du khách đến tham quan một ngôi chùa có rất nhiều câu chuyện kỳ thú, tâm linh.
Phan Thị Anh Thư